Những tư liệu, hiện vật quý của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang sẽ được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng văn hóa dân tộc Cơ Tu khi công trình này hoàn thành. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bảo tàng văn hóa Cơ Tu được xây dựng trong khuôn viên có tổng diện tích gần 3.000m2, đang trong quá trình hoàn thiện. Khi đi vào sử dụng, bảo tàng này được kỳ vọng sẽ sưu tầm và trưng bày đầy đủ hiện vật văn hóa, hình ảnh tư liệu quý giá của đồng bào Cơ Tu sinh sống ở núi rừng Trường Sơn.
Tấm lòng của Réhahn
Những ai từng tiếp xúc với Réhahn có thể nhận ra tình yêu của ông dành cho văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thông qua những hoạt động thiện nguyện và dự án hỗ trợ khôi phục văn hóa truyền thống.
Vài năm trước, tình cờ Réhahn gặp gỡ Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bh’riu Liếc. Từ cuộc gặp này, Réhahn có thêm nhiều duyên nợ với Tây Giang, với đồng bào Cơ Tu ở vùng đất phía tây xứ Quảng. Réhahn sau đó đã nhiều lần tìm đến Tây Giang, lặn lội khắp thôn bản và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc về mảnh đất, văn hóa, con người Cơ Tu. Và cũng chính Réhahn đã làm cầu nối đưa văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam xuống phố, trình diễn ngay tại không gian phố cổ Hội An phục vụ du khách.
Hình ảnh phác thảo Bảo tàng văn hóa dân tộc Cơ Tu. Ảnh: T.G
Là người yêu văn hóa cội nguồn, ông Bh’riu Liếc từ lâu đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một bảo tàng trưng bày những di sản quý giá của đồng bào Cơ Tu. Và ý tưởng này được ông Bh’riu Liếc chia sẻ cùng Réhahn, với mong muốn nhận được sự ủng hộ và nguồn hỗ trợ kinh phí của nhiếp ảnh gia này.
Những chia sẻ của ông Liếc được Réhahn đặc biệt quan tâm. Không lâu sau đó, nhiếp ảnh gia người Pháp đã tìm được nguồn lực, cùng góp sức hiện thực hóa ước mơ của ông Liếc. Không thể kể hết niềm vui của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang khi tận thấy công trình đang được hoàn thiện, mô phỏng theo kiến trúc gươl truyền thống nằm giữa trung tâm huyện. Ai đi ngang qua nhìn ngắm cũng đều trầm trồ, nói bảo tàng này chính là tấm lòng của Réhahn, món quà ý nghĩa vô giá dành tặng cho cộng đồng Cơ Tu ở Tây Giang nói riêng và vùng tây bắc miền núi đất Quảng nói chung.
Nơi bảo lưu văn hóa truyền thống
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, văn hóa của đồng bào Cơ Tu rất đa dạng, phong phú với nhiều hiện vật, di sản và hình ảnh tư liệu quý giá đang được bảo tồn. Mặc dù vậy, ở những vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống, do không có bảo tàng để lưu giữ nên nhiều hiện vật đang có nguy cơ mất dần. Vì thế, bảo tàng được xây dựng sẽ là nơi bảo lưu những nét văn hóa truyền thống, những di sản vật thể vô giá của cộng đồng Cơ Tu ở khắp vùng tây bắc Quảng Nam. “Sau khi hoàn thành, bảo tàng này sẽ là nơi trưng bày hiện vật quý của đồng bào Cơ Tu địa phương, vừa phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa nguồn cội của giới trẻ, của các nhà khoa học; vừa là không gian tham quan, quảng bá văn hóa vùng cao với du khách. Một công trình mà đồng bào Cơ Tu bản địa chờ đợi từ rất lâu rồi” - ông Linh chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc cũng bày tỏ kỳ vọng, khi Bảo tàng văn hóa dân tộc Cơ Tu tại Tây Giang hoàn thành, sẽ nhận được sự ủng hộ rộng khắp để trở thành nơi hội tụ vốn liếng văn hóa của đồng bào Cơ Tu nói chung, kể cả người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và thậm chí là đồng bào Cơ Tu đang sinh sống ở đất Lào. Đến khi đó, những hiện vật quý, những di sản đặc trưng sẽ được vận động gom góp và đón nhận, nhằm bảo tồn và làm phong phú thêm bảo tàng văn hóa Cơ Tu đầu tiên tại vùng cao Quảng Nam.
Nhiếp ảnh gia Réhahn cho biết, sau khi hoàn thành, bảo tàng sẽ được thiết kế thêm các hạng mục phụ, các khu vực dành riêng cho đồng bào mang sản vật và đồ lưu niệm thủ công bày bán cho du khách. Cùng với cách trang trí, trưng bày hiện đại, thu hút người xem, bảo tàng này sẽ phụ trợ thêm cho người tham quan bằng tính năng của nhạc cụ truyền thống và các thông tin được ghi chú bởi nhiều ngôn ngữ Cơ Tu, Việt, Anh, Pháp. Đó sẽ là cơ hội quảng bá mang tính tương tác cao thông qua bảo tàng văn hóa đầy thú vị.
Người Cơ Tu vùng cao Tây Giang đang chờ đợi ngày bảo tàng mở cửa đón khách.