hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đại Lộc tập trung tạo đột phá về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội (30/07/2018)
Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo tốt các vấn đề an sinh xã hội là những mục tiêu trọng tâm được thảo luận tại cuộc họp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ huyện Đại Lộc qua nửa nhiệm kỳ.

Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm hộ nghèo làng Yều, xã Đại Hưng, Đại Lộc. H.L

Đại Lộc còn 2.320 hộ nghèo. TRONG ẢNH: Đoàn công tác HĐND tỉnh thăm hộ nghèo làng Yều, xã Đại Hưng. Ảnh: H.L

Cải thiện an sinh xã hội

Theo ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đến nay trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đại Lộc cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. Với chỉ tiêu giải quyết việc làm, Nghị quyết Huyện ủy đề ra là giải quyết cho 1.000-1.700 lao động, chỉ tiêu này cơ bản đạt. Thời điểm này, hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,6% (cuối năm 2017 còn 2.320 hộ); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,39% năm 2015 xuống còn 5,66% ở thời điểm cuối năm 2017, nghĩa là giảm được 2,73% so với đầu nhiệm kỳ và huyện phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2% (trừ đối tượng bảo trợ xã hội). Ngoài ra, các nội dung khác về chỉ tiêu xã hội như danh hiệu gia đình, cơ quan, khu phố, tộc họ đạt chuẩn văn hóa, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội, Đại Lộc đều đạt và vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu về môi trường, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng cơ bản đều đạt mục tiêu đề ra.

Song, theo ông Thanh, bên cạnh thành quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần khắc phục. Ở lĩnh vực xã hội, tình trạng tội phạm ma túy trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn còn tăng cao (6 tháng có 13 người chết), đòi hỏi phải có giải pháp nỗ lực kiềm chế hiệu quả hơn. Việc khai thác cát, tài nguyên lòng sông còn phức tạp, ảnh hưởng tới tài nguyên môi trường. Nhiều trạm y tế cơ sở xuống cấp nặng nề, cần đầu tư đồng bộ để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương còn cao; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn thấp. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chỉ mới cấp được 377/1.537 hồ sơ…

Bàn về hệ thống y tế cơ sở, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, sắp tới sẽ triển khai sâu rộng đề án phát triển nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, sở đang tính toán, sắp xếp nguồn lực, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cuối năm 2018, Sở Y tế có phương án sắp xếp các cơ sở y tế trên địa bàn, đưa Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Đại Lộc sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện. Với Phòng khám khu vực vùng A, vùng B, sở đang cân nhắc theo hướng có lợi cho người dân là có nên đưa về cho Trung tâm Y tế huyện quản lý hoặc vẫn giữ như lâu nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam quản lý.

Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường đề nghị, Đại Lộc cần giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khắc phục tồn đọng ở các điểm nóng về môi trường cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng cần tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng trường hợp vượt thẩm quyền trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều năm qua.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, ở nhóm các chỉ tiêu xã hội, Đại Lộc cần chú trọng phân tích kỹ về thực trạng hộ nghèo, rà soát lại số hộ nghèo để có hướng hỗ trợ hợp lý, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Với số hộ nghèo 2.320 hộ, bình quân mỗi xã/thị trấn của huyện có hơn 120 hộ nghèo, con số còn quá cao. Huyện cần tập trung quyết liệt giảm nghèo, phân loại hộ nghèo, cử cán bộ kèm hộ nghèo, giao chỉ tiêu cho từng xã để làm sao đến năm 2020 trên địa bàn không còn hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội), cũng như rà soát lại công tác giảm nghèo ở các xã 135 như Đại Sơn… Cũng theo Phó Bí thư Phan Việt Cường, những hạn chế, khuyết điểm trong cấp quyền sử dụng đất cần rà soát lại, có bao nhiêu hộ cần giải quyết, thời hạn nào xử lý dứt điểm. Cần thiết thành lập đoàn thanh kiểm tra, kết luận cụ thể ai sai ai đúng, quy trách nhiệm, từ đó mới có cơ sở giải quyết. Nếu vướng mắc, đề xuất tỉnh cơ chế hỗ trợ, giải quyết.

Tạo động lực cho nền kinh tế

Đại Lộc cơ bản đạt các tiêu chí ở nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế qua nửa nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, Đại Lộc đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 25 dự án với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng; đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành cho 54 dự án với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc ở lĩnh vực này. Đó là, huyện chưa kêu gọi được trung tâm thương mại Đại Lộc, các sản phẩm mới chưa có, chưa tạo đột phá trong phát triển du lịch, phát triển đô thị Ái Nghĩa còn chậm. Tình trạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Tồn tại lớn nhất là nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông, cầu dân sinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn mới còn quá thấp, là rào cản không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện…

Nhận xét về lĩnh vực nông nghiệp Đại Lộc, đại diện Sở NN&PTNT cho rằng, Đại Lộc là địa phương đi đầu trong phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, là địa phương điển hình trong liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với 2.600ha cho giá trị thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm với 20 công ty trên cả nước. Mô hình chăn nuôi của huyện cũng phát triển mạnh, đóng góp tỷ trọng lớn cho ngành nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực trong nội bộ ngành… Tuy nhiên, Đại Lộc cần chú trọng dồn điền đổi thửa, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp chế biến nông sản. Trên công cuộc xây dựng nông thôn mới, ngoài 4 xã sắp tới, huyện cũng phải tiếp tục rà soát, nâng chất lượng các tiêu chí ở nhóm xã đã đạt chuẩn để phù hợp với chuẩn mới… Trên lĩnh vực công nghiệp, đại diện Sở Công Thương kiến nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với Đại Lộc trong phát triển công nghiệp, bởi đây là điển hình về quy mô cụm công nghiệp tập trung lớn của tỉnh…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh thêm, ngoài nguồn lực ngân sách, Đại Lộc cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa, khai thác quỹ đất để giải tỏa, di dời Trường THCS Nguyễn Trãi, phát triển trung tâm thương mại ở giao nút Ái Nghĩa, xây dựng chợ đầu mối của vùng… Huyện cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, vận động doanh nghiệp chung tay tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở khu vực các cụm công nghiệp tập trung trên tuyến quốc lộ 14B, tạo diện mạo khang trang cho vùng “cửa ngõ”, vùng hành lang đông tây của huyện.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,075 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 31 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 30
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com