hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Lộc trời (23/07/2018)
Những ngư dân ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn đang hóng chờ đợt cá pho cuối cùng từ biển vào sông. Điều ngạc nhiên là chẳng ai thích cá lớn mà chỉ trông chờ loại cá be bé bằng đầu que tăm. Trên thị trường, cá tí hon này có giá đến 3 - 5 triệu đồng/kg. Đây được xem như một thứ lộc trời cho những ngư dân vùng đầu biển cuối sông này.
Vợ ngư dân Lê Văn Thành kéo lồng bắt cá dìa con vào bờ.
Vợ ngư dân Lê Văn Thành kéo lồng bắt cá dìa con vào bờ.

Buổi sáng tinh sương, trên con đường xóm chài Duy Hải (huyện Duy Xuyên) chạy men theo bờ sông Thu Bồn tới gần cửa biển thấp thoáng bóng các ngư dân đang dí mắt sát những bát nước, tấm lưới để tìm vật gì đó rất nhỏ, giống như ngư dân bắt tôm hùm con, có nơi gọi là tôm nhí. Gọi là tôm nhí, vì con tôm hùm này chỉ bằng một giọt nước trong veo, khi bắt thì phải tóm râu và giơ lên soi dưới luồng sáng để phân biệt loại tôm xanh hay tôm lửa. Còn ngư dân bắt loại cá con này thì múc cá trong chiếc bát rồi săm soi với vẻ ưng ý, kèm theo nụ cười.

Loại cá be bé mà các ngư dân đang chài lưới đánh bắt ở cuối sông Thu Bồn, đó là cá dìa, khi cá còn nhỏ như que tăm thì được ngư dân địa phương gọi là cá pho. Thỉnh thoảng cá pho xuất hiện trên sông Thu Bồn vào ban đêm. Những ngư dân tinh mắt và quen đánh bắt cá pho thì mới biết là có cá vào lưới. Vì con cá này nhìn không khác gì cá lòng tong và nhiều loại cá con khác. Một lão ngư cười cho biết: “Cái tên cá pho nghe hắn không hay lắm, chừ gọi là cá vàng, cá tiền thì hợp hơn”.

Ngư dân Lê Văn Thành có một túp lều nhỏ nằm sát cạnh bờ sông. Ông Thành là cựu chiến binh, cuối đời sống thả hồn với sông nước. Túp lều của ông chỉ vừa một người ngồi, bên trong có chiếc máy quấn tời được điều khiển tốc độ bằng tay ga, hộp số hẳn hoi. Cứ 3 tiếng đồng hồ là ông Thành bật máy cất vó để bà Tư chèo thuyền ra ngó vô lưới và xúc cá. Nhưng do quen với nghề đánh ca pho, nên bà không màng tìm cá lớn trong lưới, mà luôn săm soi xem có cá li ti quẫy dưới đáy lưới hay không. Chỉ cần nhìn thấy con cá thì bà lập tức báo tin cho chồng biết “có cá pho rồi ông ơi, chừ hắn vô ít ít, không chừng mẻ sau nhiều hơn đó”.

Cá dìa nhỏ như đầu đũa, nhưng có giá 5 triệu đồng/kg.Ảnh: L.V.C
Cá dìa nhỏ như đầu đũa, nhưng có giá 5 triệu đồng/kg.Ảnh: L.V.C

Mới nghe qua giá cá lên đến 5 triệu/kg, tôi không tin vào tai mình và hỏi lại lần nữa. Vì hiện nay, cá biển có một loại rất đắt là cá mặt quỷ được bán với giá 500 ngàn đồng/kg, còn giá tại nhà hàng đôi khi lên tới 3,5 triệu đồng. Loại cá này phải lặn xuống rạn san hô ở các đảo xa bờ mới bắt được với số lượng rất ít. Vậy nếu so ra thì loại cá mặt quỷ quý hiếm hơn những chú cá lòng tong trên sông Thu Bồn. Vậy nhưng cá nhỏ li ti như đầu tăm kia lại vượt mặt về giá so với cá mặt quỷ.

Tìm hiểu nguồn cơn của loại cá có giá trên trời kia thì được biết, cá pho là cá dìa con. Ngành thủy sản thống kê, cá dìa phân bố nhiều nhất ở một số vùng biển Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Hiện nay có trang trại cung cấp giống cá dìa cho bà con nông dân với giá 1.000 đồng/con. Những người dân chài trên sông Thu Bồn ước tính, mỗi ký cá lên đến vài ngàn con. Nếu như vậy, cá con đến được tay người nông dân nuôi trồng thì đã đội giá lên gấp nhiều lần, nên giá 5 triệu đồng/kg không phải là chuyện lớn. Và tất nhiên, để đánh bắt được một ký cá dìa con cũng không phải là chuyện dễ dàng gì đối với ngư dân.

Hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình đã có nhiều mô hình nuôi cá dìa độc canh trong ao đất, tỷ lệ sống hơn 85%, sản lượng trung bình 160g/con, giá bán cá thịt trên thị trường là 200 ngàn đồng/con. Có nông dân sau 5 tháng nuôi 5.000 con cá dìa đã thu về được hơn 140 triệu đồng. Những ao nuôi tôm thất bại thì được nông dân biến thành ao nuôi cá dìa rất thành công, vì loại cá này thường ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ. Quảng Nam có nguồn giống cá dìa con nhưng không triển khai nuôi tại chỗ là điều đáng tiếc.

Lão ngư dân Lê Văn Thành cười khà khà khi nghe tôi xuýt xoa chuyện cá be bé sao lại đắt hơn cá lớn và thu nhập cỡ này tại sao không cất nhà lầu, xe hơi? Ông Thành cho biết: “Hắn mà về hoài thì mình giàu to, nhưng hắn chỉ thỉnh thoảng. Cuối tháng 5 âm lịch một đợt, tới cuối tháng 6 âm lịch hắn lại về. Hắn về 3 bữa cái đi mất và bữa ni là bữa cuối cùng”.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  701 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 30 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com