hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Kỳ tích vùng biên (10/08/2018)
Sau 15 năm tái lập (6.8.2003 - 6.8.2018), huyện Tây Giang đã không ngừng vươn mình lớn dậy, trở thành địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh “tiên phong” trong việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo khu trung tâm huyện Tây Giang hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo khu trung tâm huyện Tây Giang hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ trong gian khó

Huyện Tây Giang được thành lập vào ngày 10.3.1963, trên cơ sở chia tách từ huyện Thống Nhất (gồm Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang) thuộc tỉnh Quảng Đà. Đến ngày 17.11.1974, Tỉnh ủy Quảng Đà ra Quyết nghị số 15-NQ/TV hợp nhất huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Hiên. Ngày 20.6.2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP về việc tách huyện Hiên để tái lập huyện Đông Giang và Tây Giang. Tại kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Tây Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 quyết định lấy ngày 6.8.2003 là ngày tái lập huyện.

Trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển, năm 2013 - nhân kỷ niệm 10 năm tái lập huyện - nhân dân và cán bộ huyện Tây Giang vinh dự được Nhà nước tặng thưởng được Huân chương Lao động hạng Ba, và nay tiếp tục đón nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nhiều cán bộ và người dân ở các bản làng của huyện Tây Giang đã không giấu được cảm xúc khi chứng kiến diện mạo quê hương hôm nay đã hoàn toàn đổi khác, từ điện - đường - trường - trạm, cho đến các dịch vụ thương mại và du lịch. Ai cũng bảo, đó là một kỳ tích, ghi dấu bao niềm tự hào của cộng đồng vùng cao, cùng chung tay hướng đến xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn.

Khó ai có thể hình dung, chỉ sau 15 năm tái lập, Tây Giang đã có một diện mạo khởi sắc như vậy. Nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Arất Típ vẫn nhớ như in buổi đầu tái lập huyện, trời mưa tầm tã suốt hàng tháng trời khiến mọi công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở hành chính, các công trình dân sinh đều bị ảnh hưởng. Đường đất lầy lội, những chuyến xe vận chuyển vật liệu không thể đi lên, Tây Giang gặp khó suốt thời gian khá dài. “Hồi đó, sau khi hoàn thiện cơ bản về đường giao thông, Đảng bộ huyện chủ trương ngay đến việc xây dựng làng mới - sắp xếp dân cư tập trung gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp ổn định, phục vụ cuộc sống cho người dân miền núi. Từ quyết tâm chung của huyện, vài năm sau đó, những ngôi làng mới đã bắt đầu hình thành, tạo tiền đề cho quá trình vận động, hỗ trợ xây dựng các ngôi làng kiểu mẫu tập trung như bây giờ” - ông Típ chia sẻ.

Từ trong gian khó, Đảng bộ huyện Tây Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải xúc tiến ngay việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện phương châm đi từng bước vững chắc, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu đầu tư ổn định cơ sở vật chất theo 5 bước: giao thông, làng mới, văn hóa, ruộng - rừng, dịch vụ - du lịch để phát triển bền vững.

Dấu ấn an cư

Với phương châm “an cư mới lạc nghiệp, nơi nào có ruộng nơi đó có dân cư, không bỏ trống biên giới”, ngay từ buổi đầu tái lập, Tây Giang đã xác định công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để nhân dân có nơi ở ổn định lâu dài và phát huy tốt các giá trị văn hóa làng của cộng đồng Cơ Tu, gắn với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để chủ trương này sớm đi vào cuộc sống, bên cạnh huy động nguồn lực, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhận được sự ủng hộ, thống nhất cao từ phía cộng đồng người dân. Hàng nghìn diện tích đất, hoa màu được đồng bào hiến tặng, tạo điều kiện giúp địa phương sớm hoàn thiện các dự án tái định cư tập trung gắn với hỗ trợ đất sản xuất, khắc phục dần những khó khăn ban đầu, để lại nhiều dấu ấn về cuộc “cách mạng an cư” cho đồng bào miền núi.

Hình thành các khu tái định cư, giúp nhân dân ổn định cuộc sống là một trong những dấu ấn trên hành trình phát triển của Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hình thành các khu tái định cư, giúp nhân dân ổn định cuộc sống là một trong những dấu ấn trên hành trình phát triển của Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ việc tập trung lồng ghép các nguồn vốn đầu tư san ủi mặt bằng và bố trí dân cư, đến nay địa phương đã triển khai xây dựng 84/95 khu dân cư mới tại 70 thôn của 10 xã, giúp 4.385 hộ có điều kiện làm nhà ở ổn định, kiên cố. “Song song với việc bố trí tái định cư, chúng tôi chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh như: điện, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn, trường học, các dịch vụ thương mại, du lịch,… giúp cuộc sống người dân ngày càng ổn định và nâng cao. Ngoài ra, nhiều dự án khai hoang ruộng lúa nước, gắn với công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên, rừng cây di sản cũng được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống người dân” - ông Blúi nói.

Tiếp tục đổi mới

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Giang là địa bàn chiến lược, căn cứ cách mạng quan trọng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Với sự đóng góp to lớn của nhân dân huyện Tây Giang trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Tây Giang cùng 9 xã của huyện, gồm: A Vương, A Nông, A Tiêng, Lăng, Dang, Tr’Hy, A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, toàn huyện có 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Bh’ling Mia cho hay, cùng với xây dựng các khu tái định cư tập trung, địa phương chú trọng đến công tác phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, thông qua các Chương trình 135, 30a địa phương vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; liên kết, tư vấn giới thiệu việc làm và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại huyện để phát triển ngành nghề, hướng đến hỗ trợ việc làm tại chỗ cho lao động. Đặc biệt, trên địa bàn hình thành nhiều mô hình kinh tế chủ lực, kinh tế trọng điểm từ cây dược liệu và du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái. Riêng từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có hơn 1.500 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp; 93 lao động được đào tạo nghề theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 21 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2003; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 48,4% (theo chuẩn mới).

Từ những bước chuyển sau 15 năm, ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục có hướng đổi mới phù hợp theo tiến trình hội nhập và phát triển chung. Trong đó, cùng với tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu, hướng đến hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa làng và hệ sinh thái rừng cây di sản. “Bên cạnh phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác mọi tiềm năng và lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Tây Giang cũng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây lâu năm, cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng tập trung trên cơ sở lợi thế về đất đai, khí hậu của từng vùng. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như ba kích, đảng sâm, cam, táo mèo...; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định” - ông Liếc nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,129 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 31 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20 30
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com