|
Mô hình trồng mới hơn 200 choái tiêu của anh Nguyễn Văn Lợi, xã Tiên Hà. Ảnh: HOÀNG HƯNG |
Phát triển kinh tế
Tiên Thọ là một trong 8 xã được huyện Tiên Phước chọn xây dựng đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Tiên Thọ quyết hoàn thành mục tiêu này vào năm 2019. Xác định phát triển kinh tế là một trong những nội dung quan trọng xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống nhân dân, xã tranh thủ các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của các cấp, vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, thanh trà, quýt đường, măng cụt, thanh long trên diện tích 25ha, trồng mới hơn 6.200 choái tiêu; khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ dân phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh đó, xã còn điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể. Ông Phạm Bá Hùng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết: “Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong 3 năm (2015 - 2018) Tiên Thọ đã giải quyết việc làm cho 400 lao động tại địa phương. Giá trị tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng bình quân 25% mỗi năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,3% (năm 2015) xuống còn 3,24% (năm 2017)”.
Nhiều địa phương khác của huyện cũng mạnh dạn khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại vừa và nhỏ, kinh tế hộ mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi heo của ông Nguyễn Đắc Lực (Tiên Lộc), Nguyễn Tiến (Tiên Sơn), Phan Thanh Phước (Tiên Kỳ); mô hình nuôi gà giống của ông Phan Phúc Hậu (Tiên Cảnh), nuôi vịt đẻ trứng của anh Nguyễn Trọng Sang (Tiên Phong)... Đặc biệt, Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái, mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng” (gọi tắt là Đề án 548) đã khuyến khích nhân dân phát triển mới hàng trăm mô hình trồng tiêu, cây ăn quả, chỉnh trang vườn nhà xanh - sạch - đẹp - hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình trồng 500 choái tiêu của ông Vũ Chí Công (Tiên Ngọc), ông Nguyễn Đình Lực (Tiên Châu); mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Tiên Cảnh, mô hình trồng hơn 300 cây thanh trà của Phan Văn Dĩnh (Tiên Thọ)…
Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Phát huy kết quả đã đạt được, huyện đang triển khai sâu rộng Đề án 548 kết hợp với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm tạo động lực khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo thu nhập ổn định”.
Phấn đấu về đích đúng hẹn
Để về đích NTM đúng hẹn, ngoài việc vận động người dân phát triển kinh tế, huyện còn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2018, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện hơn 300 tỷ đồng (trong đó dự án cấp trên đầu tư hơn 200 tỷ đồng, huyện quản lý đầu tư gần 100 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phí đó, huyện đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT614 đi Gò Vàng (Tiên Sơn), quốc lộ 40B đi vào Cụm công nghiệp Tài Đa (giai đoạn 2), đường ĐH6 đi thôn 1 Trà Khân (Tiên Hiệp), xây dựng trụ sở UBND xã Tiên Lập...; kiên cố hóa mặt đường ĐH dài khoảng 6km, bê tông hóa đường giao thông nông thôn hơn 27km và đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trường học, trạm y tế... Giao thông phát triển đã tạo thuận lợi cho ngành nghề có bước chuyển biến mới. Giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng bình quân hơn 20% mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 411 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 27 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2018 - 2020 và đạt huyện NTM vào năm 2022.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, toàn huyện có 30/48 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt hơn 97%. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm chiếm hơn 90%. Trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa trên 1.100 nhà ở cho người có công cách mạng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 29 nhà ở cho người có công với số tiền 1,26 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn 9,23%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn gần 7%.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tiên Phước được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện. Huyện đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị thu được trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, huyện tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng du lịch sinh thái làng quê, qua đó vừa phát triển du lịch, vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, huyện động viên sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời huyện cũng tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2022 huyện sẽ đạt huyện NTM”.
PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG
Theo Báo Quảng Nam