Kết quả khả quan
Đến nay, các huyện miền núi đã hình thành bộ máy quản lý, điều hành thực hiện Chương trình NTM; 96/96 xã đã phê duyệt đồ án quy hoạch NTM, đề án xây dựng xã NTM và đề án phát triển sản xuất (PTSX) nâng cao thu nhập cho người dân. Bình quân chung tiêu chí đạt chuẩn của 96 xã đạt 10,08 tiêu chí/xã (tăng 8,98 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 1,48 tiêu chí/xã so với thời điểm cuối năm 2015); đã có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (gồm : các xã Anông, Lăng - huyện Tây Giang; các xã: Quế Thọ, Quế Bình, Bình Lâm - huyện Hiệp Đức; các xã: Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước; xã Ba - huyện Đông Giang và các xã Trà Dương, Trà Tân - huyện Bắc Trà My).
Lễ công bố xã Lăng, huyện Tây Giang đạt chuẩn NTM năm 2015
Trong các năm qua, tổng nguồn vốn Trung ương, tỉnh đầu tư trực tiếp từ Chương trình NTM tại các xã miền núi là 682,395 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương: 514,129 tỷ đồng và ngân sách tỉnh: 168,266 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nêu trên đã hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa,…), xây dựng các mô hình PTSX, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật,… đã tạo được sự chuyển biến trong sản xuất, góp phần giảm nghèo trên từng địa bàn dân cư. Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy cơ bản được chấm dứt; đặc biệt đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao, bền vững, điển hình như trồng cao su, keo, bời lời đỏ, chuối mốc, trồng rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, chăn nuôi bò, heo địa phương,… Nhờ vậy, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn miền núi có bước phát triển đáng kể, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh của người dân.
Mặt khác, công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền các nội dung về Chương trình NTM thường xuyên được quan tâm thực hiện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên trong thời gian qua nhân dân khu vực miền núi đã đóng góp trên 100.000 ngày công, hiến gần 25ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã miền núi. Đồng thời, đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình trong các phong trào, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn miền núi,…
Xác định mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện
Sắp xếp bố trí dân cư gắn với xây dựng NTM tại thôn Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những tồn tại và hạn chế nhất định. Bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn ở các huyện miền núi đạt còn thấp, một số tiêu chí khó đạt chuẩn, như: tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao (bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khu vực miền núi trên 45%), thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, nhiều xã chưa thành lập được HTX, hiện vẫn còn 4 huyện (Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn và Nam Trà My) chưa có xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, năng suất, sản lượng một số cây trồng, con vật nuôi chưa cao, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa rõ nét, sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp còn phổ biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển làm cho việc triển khai thực hiện Chương trình NTM chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế trong thời gian qua, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình NTM trong thời gian đến, các huyện miền núi cần phải xác định cụ thể mục tiêu và các giải pháp trọng tâm để thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Mục tiêu thực hiện Chương trình NTM đến cuối năm 2020 trên địa bàn 9 huyện miền núi là: Phấn đấu có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM thuộc khu vực miền núi lên 29 xã (chiếm 30,2% so với tổng số xã miền núi), phấn đấu không còn xã dưới 8 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân ít nhất 5%/năm (trong đó các huyện nghèo, xã nghèo giảm ít nhất 7%/năm), thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015.
Để thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra là một bài toán khó, trước hết cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng của tất cả người dân trên địa bàn các huyện miền núi. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Quản lý xã và Ban Phát triển thôn, đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ vùng miền núi. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền, vận động và công tác thi đua xây dựng NTM, trong đó cần phát huy tốt vai trò dân chủ ở nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của Già làng, Trưởng bản, nhằm tuyên truyền, vận động người dân “Chung sức xây dựng NTM”. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng NTM theo phương châm 3 không: Không chấp nhận đói, nghèo; không trông chờ ỷ lại; không tự ti, thoả mãn, chấp nhận cuộc sống hiện tại.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư (khóa XXI) Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh Về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2021. Bên cạnh đó, có rất nhiều các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác: Cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu, cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái,... |
Tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư gắn với PTSX cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư, để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đạt chuẩn NTM; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi.
Đa dạng hoá cây, con trong PTSX cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể; trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của kinh tế lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc theo phương châm “02 cây, 01 con”: Cây nguyên liệu giấy, cây dược liệu và chăn nuôi bò thịt; chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất như THT, HTX phù hợp với yêu cầu, trình độ sản xuất của nông dân, trình độ quản lý của cán bộ, nhằm tổ chức hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Tập trung xây dựng một số dự án trọng điểm, như: Phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng sản xuất, dự án phát triển sâm Ngọc Linh và trồng dược liệu dưới tán rừng, dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc (trong đó lựa chọn chăn nuôi bò thịt là mũi nhọn), dự án phát triển du lịch miền núi (với các loại hình du lịch: văn hoá, lịch sử cộng đồng, sinh thái, các sản phẩm làng nghề, ngành nghề ở nông thôn và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng). Tập trung ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ PTSX từ Chương trình NTM, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và kinh phí sự nghiệp kinh tế để thực hiện Đề án PTSX, nâng cao thu nhập; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam (OCOP), giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất; giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tại chỗ phát triển sinh kế và thoát nghèo bền vững bằng nghề rừng.
Ngoài nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình NTM, cần chú trọng lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo và các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn huyện để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên làm trước các công trình mang tính thiết yếu cấp xã trực tiếp cho sản xuất và phục vụ đời sống hàng ngày của người dân (như các công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học, y tế,...) và hỗ trợ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2020, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu nhập, văn hoá - xã hội và môi trường ở nông thôn miền núi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hoá - xã hội và môi trường ở nông thôn miền núi. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng các “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, gắn sinh hoạt văn hoá với các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, bản văn hoá, xây dựng Gươl; xóa bỏ các tập tục có hại cho đời sống và sản xuất; vận động, tuyên truyền thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình,... từng thôn, bản tạo ra những điểm sáng về văn hoá, để nhân ra diện rộng. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phục vụ sức khoẻ nhân dân; giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.