Ông Mai Văn Quân kỳ vọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cánh đồng tập trung đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Ảnh: V.Q
Xã Bình Phục có 1.800ha đất sản xuất nông nghiệp, tập trung ở 4 thôn Tất Viên, Ngọc Sơn Tây, Bình Hiệp và Ngọc Sơn Đông. Do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa ứng dụng cơ giới hóa cho đồng ruộng nên chưa hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, có 2 hình thức để tích tụ, tập trung ruộng đất là Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Phục (HTX Bình Phục) sẽ thuê đất của nông hộ để liên kết sản xuất hoặc người dân tự nguyện góp đất cùng HTX sản xuất. Dự kiến, mô hình sẽ bắt đầu thực hiện vào vụ hè thu tới đây. HTX Bình Phục đã kết nối với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Nam, Công ty Giống cây trồng miền Nam để liên kết sản xuất theo hình thức doanh nghiệp cung cấp giống, HTX Bình Phục tổ chức đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất, doanh nghiệp sẽ thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 10 - 20%.
Theo ông Mai Văn Quân - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Phục, vụ hè thu tới, địa phương sẽ sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 22,3ha ở cánh đồng Bàu Bàn thuộc 2 thôn Ngọc Sơn Đông và Ngọc Sơn Tây. Đến vụ đông xuân 2018 - 2019, sẽ tăng thêm 20ha ở cánh đồng thôn Bình Hiệp. Sau khi thực hiện thành công sẽ nhân rộng ra các cánh đồng trên địa bàn xã. Theo ước tính, năng suất lúa bình quân sẽ đạt 60 tạ/ha, mỗi sào lúa sẽ bán được chừng 1,8 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí khoảng 1 triệu đồng, sẽ thu lãi gần 800 nghìn đồng, cao hơn trước khi tích tụ, tập trung ruộng đất là 300 nghìn đồng/sào. “Lợi ích đem lại từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa sau khi tập trung ruộng đất là điều kiện để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo định hướng của huyện. Trong đó, người dân cho thuê đất sẽ thu lợi hơn 5% so với trước còn nông hộ góp đất sản xuất sẽ thu lợi gần 15% so với trước” - ông Quân nói.
Đến các cánh đồng sản xuất lúa trên địa bàn xã Bình Phục vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy người dân rất hào hứng với phương án sản xuất lúa hàng hóa sau khi tích tụ, tập trung ruộng đất. “Vấn đề quan trọng nhất của sản phẩm nông nghiệp là đầu ra. Nếu được liên kết sản xuất để chủ động về giống, các khâu sản xuất và đầu ra sản phẩm cao hơn mặt bằng giá cả của thị trường thì còn chi bằng. Gia đình rất phấn khởi, nếu thành công thì không chỉ sản xuất lúa mà còn có thể canh tác khổ qua, dưa leo và một số rau, quả trái vụ khác” - ông Nguyễn Hòa Bình (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) cho biết.