|
Đồng lúa IP13/2 tại Kế Xuyên. Ảnh: PHAN VINH |
Điều kiện phù hợp
Dù bận bịu công việc tại lò mỳ, nhưng ông Nguyễn Đình Chức (xã Duy Trung, Duy Xuyên) vẫn sắp xếp thời gian vào thôn Kế Xuyên 1 (Bình Trung) để đặt mua lúa về xay gạo tráng mỳ. Sở dĩ ông Chức phải vào đến tận Kế Xuyên bởi đây là địa phương chuyên sản xuất giống lúa IR13/2, một loại lúa với hàm lượng tinh bột khá cao, đảm bảo được độ dẻo, thơm khi tráng mỳ. Ví dụ, với loại lúa khác, 10kg gạo chỉ tráng được 100 lá mỳ, thì lúa IR13/2 sẽ tráng được 120 lá mỳ.
“Lò mỳ của tôi đã trải qua 4 đời, từ thời ông bà đến nay đều chỉ mua lúa ở làng Kế Xuyên. Gia đình tôi giữ vững được thương hiệu lâu như vậy phần lớn cũng nhờ khâu chọn nguyên liệu. Thực ra trước đây nhiều nơi cũng trồng giống lúa này nhưng bây giờ chỉ có Kế Xuyên trồng nhiều nhất, và lúa IR13/2 khi trồng ở đây cũng đạt chất lượng cao” - ông Chức nói.
|
Theo ông Chức, gạo từ giống IR13/2 ở Kế Xuyên rất phù hợp làm nguyên liệu tráng mỳ. Ảnh: PHAN VINH |
Theo ông Ngô Văn Sự (53 tuổi, thôn Kế Xuyên 1), giống IR13/2 được đưa về sản xuất rộng rãi vào khoảng năm 1980. Trước đó, để cung ứng nguyên liệu cho các lò tráng mỳ, làm bún, nấu rượu..., người làng Kế Xuyên trồng các loại giống tương tự qua từng giai đoạn như Thần Nông 20, 6A, 3B, 666... Đến nay, riêng giống IR13/2 là loại cho năng suất cao nhất và phù hợp làm nguyên liệu tráng mỳ.
Nói về lý do cả làng cùng trồng giống lúa để cung ứng cho các lò mỳ, ông Sự giải thích: “Giai đoạn trước đây, việc trồng lúa để tráng mỳ không chỉ riêng có ở Kế Xuyên mà nơi nào cũng vậy. Tôi còn nhớ rõ, khoảng năm 1985, ở vùng Điện Bàn và phía tây Hội An đâu đâu cũng bạt ngàn diện tích trồng lúa IR13/2. Nhưng thời gian sau này, khi Nhà nước khuyến khích người dân trồng giống lúa ngắn ngày và cao sản để áp dụng đúng lịch thời vụ nên nhiều nơi chuyển đổi, không trồng giống dài ngày như IR13/2 nữa. Tuy nhiên, ở Kế Xuyên có đập nước riêng (đập Kế Xuyên) nên chúng tôi có thể chủ động gieo sạ sớm hơn lịch thời vụ, vì vậy, giống IR13/2 vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Mặt khác, chân đất ruộng ở Kế Xuyên khá phì nhiêu, hợp với giống lúa IR13/2; còn những loại lúa ngắn ngày khác, đất tốt quá, cây lúa chỉ bung được 1 bông nên năng suất thu hoạch thấp”.
Ổn định đầu ra
Ông Bùi Ngọc Thanh (67 tuổi, thôn Kế Xuyên 1) trồng hơn 5.000m2 giống lúa IR13/2, cho hay ưu điểm của giống lúa này là kháng rầy và chống đổ ngã tốt. Ngoài ra, năng suất cũng khá cao so với các giống lúa ngắn ngày khác, đạt trung bình 80 tạ/ha. Tuy nhiên, nhược điểm của giống IR13/2 cũng không ít, tỷ lệ bệnh đậu ôn trên giống này khá cao nên ngành nông nghiệp không khuyến khích trồng rộng rãi. Ngoài ra, giống IR13/2 không chịu được mùa nóng nên mỗi năm, người làng Kế Xuyên chỉ canh tác được 1 vụ đông xuân; còn vụ hè thu trồng ít, chủ yếu để lấy giống.
“Khó vậy nhưng người Kế Xuyên vẫn làm bởi lúa này cung cấp nguyên liệu cho các lò mỳ, lò bún nên thương lái mua rất ổn định. Có người thu hoạch về, phơi chưa kịp khô đã có thương lái đến đặt mua. Thậm chí, vì thị trường luôn cần loại gạo này nên nhiều người còn trữ lúa, đợi sau này trái vụ, giá cao hơn mới bán. Với diện tích của tôi, trung bình mỗi vụ lãi được 25 triệu đồng. So với các loại cây nông nghiệp ngắn ngày thì không bằng, nhưng so các giống lúa với nhau thì IR13/2 cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn” - ông Thanh chia sẻ.
|
Người làng Kế Xuyên phấn khởi thu hoạch vụ đông xuân năm nay vì năng suất lúa đạt cao. Ảnh: PHAN VINH |
Theo ông Bùi Quang Mãi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, hiện tại địa phương có 290ha diện tích trồng giống lúa IR13/2, trên tổng số diện tích đất canh tác lúa của toàn xã là 863ha/vụ. Đặc biệt, 100% diện tích canh tác lúa ở thôn Kế Xuyên 1 đều trồng giống IR13/2. Với đặc thù riêng biệt của lúa IR13/2 là hàm lượng tinh bột nhiều, nấu cơm sẽ bị cứng nên chỉ phù hợp làm nguyên liệu cho các lò mỳ, lò bún.
“Tuy giống lúa này so với những cây trồng chuyển đổi khác không cao bằng nhưng lại rất ổn định đầu ra. Sắp tới, trong triển khai dồn điển đổi thửa và tích tụ ruộng đất, chúng tôi chú trọng xây dựng cánh đồng mẫu lớn canh tác giống IR13/2 để xây dựng vựa lúa chuyên canh đặc biệt của tỉnh và thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa rộng rãi vào đồng ruộng, nhằm nâng cao năng suất và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân” - ông Mãi nói.
PHAN VINH
Theo Báo Quảng Nam