hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Quế Thọ chú trọng phát triển kinh tế vườn (24/04/2018)
Với địa hình và khí hậu vùng trung du, huyện Hiệp Đức đang chú trọng hỗ trợ, phát triển kinh tế vườn. Trong đó, xã Quế Thọ là địa phương có nhiều cách làm hay khi thực hiện mô hình này.
Đầu tư kinh tế vườn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: PHAN VINH
Đầu tư kinh tế vườn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: PHAN VINH

Phủ kín đất vườn

Ông Trần Tuấn Anh (57 tuổi, tổ 2, thôn Nam An Sơn, xã Quế Thọ) có 5.000m2 đất vườn. Khu đất rộng lớn nhưng trong nhiều năm trời ông Anh không biết làm gì. Năm 2004, khi nhà nước triển khai mô hình VAC, gia đình ông được chọn làm thí điểm. Ông Anh bắt đầu trồng đu đủ và nuôi thỏ nhưng một thời gian vẫn không hiệu quả. Sau đó, ông đầu tư mạnh hơn, tìm mua 60 cây lòn bon giống Tiên Phước, 10 cây măng cụt, 100 cây chuối về trồng. Vì thế đất không bằng phẳng, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu nên ông đào một ao lớn, bơm nước lên bồn để tưới cây. Vào những lúc trái cây chưa đến vụ thu hoạch, ông trồng xen những loại rau màu ngắn ngày. Đến nay, ao nước cũng được ông thả nuôi cá chép và trắm cỏ. Đây được cho là mô hình kinh tế vườn bài bản và quy mô nhất xã Quế Thọ, vì mang lại cho ông Anh thu nhập mỗi tháng khoảng 15 - 20 triệu đồng.

“Thực ra, khi người ta nhìn vào vườn cây của tôi thấy quá nhiều loại và nghĩ không ổn định; nhưng thực ra, đa dạng loại cây trồng như thế này mới cho hiệu quả cao. Bởi các loại liên tục cho trái quanh năm, hết cây này đến cây khác. Gần như ngày nào tôi cũng có trái cây để bán ra, kiếm 500 - 700 nghìn đồng nên rất ổn định. Đã làm kinh tế vườn thì xác định phải chịu khó, tôi cả ngày cắm mặt ở ngoài vườn làm đủ thứ việc mới được như hiện nay” - ông Anh chia sẻ.

Anh Thọ đầu tư hệ thống nước tự động hết 30 triệu đồng cho vườn bưởi của mình. Ảnh: PHAN VINH
Anh Thọ đầu tư hệ thống nước tự động hết 30 triệu đồng cho vườn bưởi của mình. Ảnh: PHAN VINH

Cũng đầu tư phát triển kinh tế vườn nhưng anh Nguyễn Văn Thọ (37 tuổi, tổ 4, thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ) lại đi theo hướng khác. Năm 2013, anh nhập 110 gốc bưởi da xanh về trồng chuyên canh trong khu vườn hơn 2.500m2 của mình. Ngoài ra, anh còn đầu tư hệ thống nước tưới tự động, bọc hàng rào xung quanh vườn để nuôi 800 con gà thịt thương phẩm. Khoảng 1 năm nữa, vườn bưởi này sẽ cho thu hoạch. Ước tính, nếu đến vụ, với giá cả hiện nay là 100 nghìn đồng/trái thì anh Thọ sẽ thu vào hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Anh Thọ chia sẻ: “Từ khi trồng đến nay, tôi đều áp dụng biện pháp kỹ thuật sạch, không hề dùng các chất hóa học, bảo vệ thực vật. Để phòng ngừa sâu bệnh, tôi dùng ớt, tỏi, sả, đây là những biện pháp dân gian, cho ra sản phẩm chuẩn sạch”.

Tiếp tục nhân rộng

Những năm qua, nhiều mô hình kinh tế vườn đã xuất hiện ở xã Quế Thọ. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chưa được nhân dân đầu tư chú trọng xem đây là mô hình kinh tế chính. Thông qua mô hình VAC được các cấp chính quyền triển khai trong giai đoạn 2004 - 2007, chính quyền xã Quế Thọ đã hỗ trợ, chỉnh trang một số khu vườn điểm có khả năng phát triển. Nhưng số này, đến nay chỉ còn lại một vài hộ. Cuối năm 2016, UBND huyện Hiệp Đức ban hành Quyết định số 706/QĐ-UBND về Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án 706). Theo đó, các hộ đầu tư phát triển kinh tế vườn được hỗ trợ nhiều mặt về cơ chế vay vốn, giống, chi phí đầu tư cơ sở vật chất...

Hội Nông dân xã Quế Thọ thường xuyên thăm và kiểm tra giám sát hiệu quả của các mô hình. Ảnh: PHAN VINH
Hội Nông dân xã Quế Thọ thường xuyên thăm và kiểm tra giám sát hiệu quả của các mô hình. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Đặng Ngọc Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Thọ, chính vì có nhiều cơ chế hỗ trợ theo Đề án 706 nên trong những năm gần đây, nhiều người dân đã bắt đầu chỉnh trang lại vườn nhà để đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 20 vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao và 20 vườn đang trong giai đoạn phát triển tốt. Hội Nông dân xã cũng làm tốt công tác phối hợp và đề xuất các mô hình lên cấp trên để người dân nhận được hỗ trợ. Đồng thời, để nhân rộng mô hình, địa phương cũng mở những lớp tập huấn về các phương pháp khoa học kỹ thuật, mời những điển hình là nông dân sản xuất giỏi đến báo cáo và nói chuyện với người dân để nhân rộng mô hình tiên tiến.

“Trong đầu tư phát triển kinh tế vườn, địa phương xác định ngoài việc áp dụng những phương pháp chăm sóc cây trồng và con vật nuôi hiệu quả thì yếu tố thực phẩm sạch cũng được đưa lên hàng đầu. Chúng tôi mở nhiều buổi nói chuyện, truyên truyền cho người dân nhận thức về lợi ích của việc sản xuất thực phẩm sạch, bởi đây là yếu tố quyết định quy mô của thị trường đầu ra. Trong thời đại mà thực phẩm bẩn đang tràn lan thì chúng ta cam kết sản xuất thực phẩm sạch sẽ thu hút được nhiều đối tượng khách hàng. Như vậy, hiệu quả kinh tế của người dân càng cao hơn, tránh vì cái lợi trước mắt và đánh mất thương hiệu lâu dài của địa phương” - ông Tài nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  958 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 20 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com