Người dân thu hoạch chuối tiêu.
Chị Tơ Đên Chương (thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl) cho biết, năm 2015, chị trồng thử 50 gốc chuối tiêu bản địa, thấy cây phát triển tốt, đầu ra cho sản phẩm dễ tiêu thụ nên đến nay, gia đình đã trồng được hơn 600 gốc, hàng tháng bán ra 2 đợt, mỗi đợt thu được 1 đến 1,5 triệu đồng. “Chuối tiêu bản địa là cây dễ sinh trưởng, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, trái chuối tiêu bản địa ăn có vị ngọt hơn chuối thường. Nhờ cây chuối mà gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học” - chị Chương chia sẻ.
Bên cạnh mô hình trồng chuối tiêu bản địa của chị Chương, năm 2016, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã hỗ trợ 20 hộ dân thôn Cần Đôn, mỗi hộ 75 gốc chuối tiêu, phân bón, đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối tiêu xen ghép với trồng gừng. Chị Alăng Phiếm (thôn Cần Đôn) cho biết, thông qua sự hỗ trợ của dự án, gia đình đã trồng 75 cây chuối tiêu, đến nay đều sinh trưởng tốt. Hơn 2 năm qua chuối đã cho thu hoạch, nhờ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Bà Alăng Thị Nhường - Chủ tịch Hội LHPN Chà Vàl cho biết, những năm qua, thực hiện mô hình phụ nữ làm kinh tế, hội đã vận động các chi hội, tùy điều kiện và đặc thù ở mỗi chi hội mà xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, trong đó, mô hình trồng cây chuối tiêu bản địa bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua mô hình này đã có 3 gia đình hội viên thoát nghèo. “Có thể nói, mô hình trồng cây chuối tiêu bản địa trên địa bàn xã Chà Vàl bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa thì cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, nhất là tạo đầu ra cho sản phẩm nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân và giữ gìn giống cây bản địa của vùng cao Nam Giang” - bà Nhường nói.