|
Cần minh bạch và giám sát kỹ nguồn đất dư thừa trong quá trình cải tạo đồng ruộng. TRONG ẢNH: Đất sét dư thừa còn lại tại hiện trường ở cánh đồng của xã Điện Thắng Bắc. Ảnh: T.HỮU |
Ủng hộ chủ trương cải tạo đất lúa
Tại cánh đồng thuộc thôn Đức Ký Nam (xã Điện Thọ) nằm dưới đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều xe cơ giới cày ủi dưới cái nóng hầm hập. Cánh đồng với diện tích hơn 17ha do Công ty TNHH Thuyền Tùng đảm nhận việc cải tạo, chỉnh trang. Hiện công ty này đã cải tạo hết diện tích theo phương án đã duyệt, bàn giao mặt bằng cho nhân dân sản xuất với diện tích 12,4ha, diện tích còn lại đang giai đoạn hoàn thiện mặt bằng để giao lại cho nhân dân sản xuất vụ hè thu năm nay. Theo quan sát thực địa, doanh nghiệp này lấy đất với độ sâu trung bình 1m, thực hiện từ cuối năm 2016 đến nay. Một số người dân phản ánh là vào giờ cao điểm có nhiều xe tải nối đuôi nhau qua lại tuyến ĐT605, đất rơi vãi bay mịt mù, gây ảnh hưởng cho người đi đường và nhân dân sống quanh khu vực.
Cánh đồng thôn Bồ Mưng 1 (Điện Thắng Bắc) cũng được cải tạo từ cuối năm 2016 đến nay. Công ty TNHH Tiến Thành là đơn vị thi công đã cải tạo xong 13ha, trong đó bàn giao đất sản xuất cho người dân 8,4ha. Theo phương án được duyệt, công ty này được phép cải tạo, chỉnh trang gần 23ha, và xin phép gia hạn thực hiện đến 30.9.2018. Hiện trường cho thấy, còn nhiều thửa đất manh mún, nhỏ lẻ liền kề nhau chưa tận thu đất. Theo người dân địa phương, nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương cải tạo đồng ruộng, doanh nghiệp và Nhà nước bỏ tiền xây dựng đường giao thông nội đồng, rất thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân là được bồi thường, hỗ trợ cao hơn hiện tại (mỗi sào ruộng bàn giao cho doanh nghiệp cải tạo lấy đất được hỗ trợ 1 triệu đồng, tùy theo thỏa thuận); đồng thời triển khai nhanh cam kết xây dựng hạ tầng sản xuất tại địa bàn.
Ông Phạm Hữu Kinh - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn đánh giá, hầu hết phương án cải tạo đã có thửa ruộng lớn (dao động từ 0,5 - 1ha), thuận lợi cho cơ giới hóa vào đồng ruộng. Cá biệt có những công trình chỉ cải tạo sau 1 vụ đã sản xuất ổn định và cho năng suất khá như công trình ở thôn Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc), các thôn Đông Hòa, La Trung, Đức Ký Bắc (xã Điện Thọ), thôn Phong Đông (xã Điện Thắng Nam)…
Cần giám sát tận thu khoáng sản
Tạm dừng các phương án mới về cải tạo đồng ruộng
Theo Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, giai đoạn 2014 - 2017, địa phương xây dựng 29 phương án cải tạo, chỉnh trang đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ dồn điền đổi thửa, với diện tích được phê duyệt hơn 492ha. Đến nay diện tích đất đã cải tạo được 225,4ha (trong đó đã bàn giao cho nhân dân sản xuất 172,2ha). Hiện UBND tỉnh đã cho tạm dừng việc xây dựng các phương án mới về cải tạo đồng ruộng mới. |
Ngành nông nghiệp địa phương nhận định, ban đầu có một số người dân còn nghi ngại công tác cải tạo, nhưng cải tạo đất đã đem lại bộ mặt mới cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa. Chính việc thu hồi khoáng sản mới có chi phí để sử dụng cho việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng đường bê tông nội đồng, thủy lợi. Nếu không có việc tận thu này thì không có cách nào để làm đựơc vì cơ chế của tỉnh hiện nay hỗ trợ rất thấp. Ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, tận thu đất sét là mục tiêu thứ yếu; cải tạo đồng ruộng, chỉnh trang để dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp mới là mục tiêu chính, nằm trong nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Vị trí, diện tích ở một số nơi mà báo chí phản ánh đang trong quá trình thi công thì không thể đánh giá đầy đủ được, không thể đề cập cao trình nông sâu.
Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục phương án cải tạo đồng ruộng triển khai tại thị xã Điện Bàn, với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Kinh, tồn tại là tất cả phương án đều không thực hiện cắm mốc các điểm khép góc khu vực cải tạo. Đơn vị thi công thì chưa có kế hoạch xây dựng kế hoạch thực hiện phương án và ghi nhật ký công trình; các địa phương chưa tổ chức ghi chép trong quá trình giám sát. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Muộn cho rằng, ngành nông nghiệp đã cương quyết từ chối các doanh nghiệp lợi dụng việc “vẽ vời” cải tạo đồng ruộng để lấy đất đồi, bởi đất đó không thể đúng bản chất của dự án cải tạo. Việc tận thu khoáng sản đất sét như thế nào, đánh giá báo cáo tác động môi trường ra sao thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT. “Có thể trong quá trình triển khai thực hiện do giám sát không tốt thì xảy ra những việc như thửa ruộng bị lấy đi những phần cach tác và trả lại không đồng đều, trong quá trình vận chuyển xảy ra tình trạng bụi bẩn, gây ô nhiễm. Mối băn khoăn của tôi là cần chính quyền giải đáp một cách rõ ràng quá trình giám sát tận thu khoáng sản, khối lượng tận thu có minh bạch không?” - ông Muộn đặt vấn đề.
Tìm hiểu được biết, doanh nghiệp thực hiện các phương án cải tạo đồng ruộng được duyệt, dưới sự giám sát của chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng địa phương lơ là trong quá trình kiểm tra, giám sát thi công. Xử lý đơn vị khai thác, tận thu đất sét không đúng hoặc ngoài phương án được duyệt vẫn còn bỏ ngỏ. Từ năm 2016, các phương án cải tạo đồng ruộng do Sở NN&PTNT là cơ quan có trách nhiệm chính trong thẩm định phê duyệt, Sở TN&MT là cơ quan phối hợp và UBND tỉnh quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dự án cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản, khâu thẩm định đánh giá báo cáo tác động môi trường, giám sát rất sơ sài, tạo dư luận không mấy tích cực. Theo ông Muộn, để dự án phát huy hiệu quả, địa phương cần phải giám sát chặt chẽ đơn vị thi công và minh bạch hóa tận thu đất dư thừa, tránh tình trạng thất thoát tài nguyên đất đai. Còn Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Viễn khẳng định, nhận thấy bất cập của dự án cải tạo đồng ruộng có thể bị biến tướng, lợi dụng khi triển khai về địa phương, nên từ năm 2016 các phương án đều thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh phê duyệt, chứ không giao cho UBND cấp huyện phê duyệt như trước đây.
TRẦN HỮU
Theo Báo Quảng Nam