hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đề án Mỗi xã một sản phẩm: Tận dụng thế mạnh địa phương (13/03/2018)
Rất nhiều cơ hội sẽ đến khi các nhóm sản phẩm chủ lực của Quảng Nam tham gia chương trình đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, để triển khai thành công OCOP, Quảng Nam phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức trong quá trình thực hiện…
Toàn tỉnh hiện có hơn 160 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của làng xã.  TRONG ẢNH: Sản phẩm làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) tham gia hội chợ tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Toàn tỉnh hiện có hơn 160 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của làng xã. TRONG ẢNH: Sản phẩm làng nghề nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) tham gia hội chợ tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

PGS-TS. Trần Văn Ơn - Trưởng Bộ môn Thực vật, Trường Đại học Dược Hà Nội (chuyên gia tư vấn đề án OCOP tại Quảng Nam) cho biết, sẽ thật khó khăn nếu các dự án phát triển nông nghiệp và cải thiện sinh kế không có sự đồng lòng từ ba phía người dân, doanh nghiệp và chính quyền. “Trong bối cảnh chính quyền nhiều địa phương còn lúng túng chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi “Hỗ trợ những gì, như thế nào cho những người nông dân để cải thiện đời sống kinh tế của họ thiết thực và hiệu quả?”, thì OCOP là rất cần thiết, là cánh cửa mở để phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng” - ông Trần Văn Ơn nói.

Cơ hội và thách thức

Theo ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Quảng Nam có nhiều cơ hội để đưa OCOP phát triển mạnh mẽ, từ điều kiện tự nhiên đa dạng, gồm 3 vùng sinh thái: vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng và ven biển. Bên cạnh đó, Quảng Nam có vốn văn hóa đa dạng, nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, khám phá tự nhiên, cũng như việc quy hoạch phát triển du lịch địa phương đã được đưa vào thực tế… sẽ dễ dàng để đưa các sản phẩm nông nghiệp, du lịch, thủ công mỹ nghệ trở thành điểm nhấn của vùng miền. “Chưa kể Quảng Nam có nhiều sản vật địa phương đa dạng theo vùng miền; các chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, phong trào thanh niên khởi nghiệp của địa phương được quan tâm, tạo sự kết nối cộng đồng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ tiếp cận học tập, phát triển năng lực; cùng với hệ thống các làng nghề truyền thống đang từng bước phục hồi… chính là các yếu tố đưa đến thành công cho OCOP tại Quảng Nam” - ông Lợi chia sẻ.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Trọng tâm của OCOP Quảng Nam là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức OCOP tại địa phương thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, rất nhiều khó khăn phải đối diện trong quá trình vận hành OCOP tại Quảng Nam. Trong đó, cộng đồng vẫn chưa rời bỏ tâm lý trông chờ vào các nguồn hỗ trợ Nhà nước; thói quen cũng như hiểu biết về sản phẩm và năng lực nghiên cứu, phát triển thị trường còn yếu. Kiến thức và kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế; thậm chí, một số sản phẩm truyền thống còn thô sơ, chưa hấp dẫn về thiết kế, chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng… PGS-TS. Trần Văn Ơn chia sẻ, ở hầu hết địa phương, năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ doanh nghiệp lẫn chính quyền còn yếu, phần lớn các nhà quản lý xa rời thực tế, chưa chủ động đến với cộng đồng để giải quyết vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Về phía khách hàng, theo nhiều khảo sát, niềm tin vào các sản phẩm đặc sản, đặc biệt là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm truyền thống, vẫn còn thấp. Việc cạnh tranh hàng hóa từ các địa phương khác trong nước và hàng nhập ngoại như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... với số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ luôn là thách thức với các sản phẩm của Quảng Nam.

Chiến lược tương lai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để OCOP triển khai thành công, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải thống nhất từ tư tưởng đến hành động nhiệm vụ phát triển nông thôn, tập trung tuyên truyền người dân tham gia một cách tự nguyện và với tư cách là chủ nhân của các hoạt động trong chương trình. Chính quyền chỉ đóng vai trò trợ giúp cho những nỗ lực, cố gắng của người dân. Khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc đào tạo cộng đồng về phát triển và thương mại hóa sản vật địa phương; gắn kết hoạt động du lịch với phát triển nông thôn, đặc biệt là các hoạt động lễ hội, du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa, tập quán của người dân địa phương nhằm tối ưu hóa hoạt động quảng bá và bán sản phẩm, là những phần việc Quảng Nam sẽ phải làm sau khi sản phẩm gắn nhãn OCOP. Về phần mình, OCOP có nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hệ thống nhận diện thương hiệu và quảng bá thương hiệu của sản phẩm, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời xây dựng hệ thống chỉ tiêu minh bạch, dễ đo lường trong việc hỗ trợ các cộng đồng phát triển sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dự án khởi nghiệp; nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, xây dựng và gắn câu chuyện sản phẩm từ giá trị văn hóa này nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Theo PGS-TS. Trần Văn Ơn, từ một sản phẩm xuất sắc ngay trong giá trị sử dụng cần phải có những chiến lược để đưa sản phẩm đi xa hơn. Việc tận dụng cơ hội, dùng các thế mạnh địa phương hiện có để phát triển trên nền tảng truyền thống là điều đương nhiên. Không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà ngay cả một giống lúa, giống heo tốt hoặc một loại cây ăn trái, một loại sản phẩm chế biến, sản phẩm du lịch nổi tiếng được tạo nên từ lợi thế đặc thù của địa phương và tạo nên phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn là mục tiêu cuối cùng mà OCOP cần phải làm được. Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn), với sản phẩm chủ lực là dầu phụng Đất Quảng, ngay khi được mời tham gia OCOP, ông đã nuôi hy vọng về một hướng phát triển mới của các sản phẩm do hợp tác xã mình làm được.

Một đường hướng mới cho câu chuyện hồi sinh, phát triển nông thôn Quảng Nam, đang được chờ đợi…

LÊ QUÂN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,207 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 10 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com