hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Về làng (21/02/2018)
Người ta sinh ra ở làng, rời xa làng, và trở về làng - khi tuổi đã xế bóng. Nhưng may thay, có những ngôi làng đủ sức để “nuôi” những đứa con trưởng thành, và gọi những người đã rời đi, trở về - ngay lúc họ ở thời sung sức. Bởi ở làng, về làng, mới thực được là mình...
Các cháu thiếu nhi thăm làng gốm Thanh Hà.
Các cháu thiếu nhi thăm làng gốm Thanh Hà.

Trở lại quê nhà

Ông Võ Tấn Hiếu, chủ cơ sở sản xuất tại làng Quán Hương (Hà Lam, Thăng Bình) xem chừng vẫn nhớ mấy đận cuối năm, khi hàng hóa vận chuyển đi xa, những người làng Quán Hương tại Sài Gòn dang rộng vòng tay để giúp người ở quê mình mang hàng ra phố thị. Và nhiều người làng trở về, khi hương của người làng sản xuất được khắp nơi công nhận về chất lượng, mẫu mã. Xưa, phụ nữ của làng đi vào Nam, cũng chỉ để có một cuộc sống đỡ chật vật hơn. Thì nay, họ về lại làng để không phải bon chen hay toan tính đến cả một giấc ngủ - mà mọi thứ ấy đều phải trả bằng tiền. Người về làng nhiều hơn – khi làng bây giờ có thể giúp họ nuôi sống tốt gia đình con cái mình. Buổi đêm ngủ yên một giấc để sáng mai vào nhà máy xa nhà chừng chục cây số. Hay dọn một hàng quán, trổ bày những nghề nghiệp truyền thống, để giúp làng đón khách du lịch...

Và cuộc trở về làng cứ vậy mỗi ngày một đông hơn. Người trẻ trở về, dựng lại cơ nghiệp bằng nghề cha ông, bằng đồng bãi mùa màng, trên nền tảng cái “thực học” từ khoảng thời gian bôn ba. Những câu chuyện “khởi nghiệp” không biết sẽ đến đâu, có bền bỉ cùng thăng trầm của thương trường hay không, nhưng bước đầu tiên, ngay khi họ chọn song hành cùng quê nhà, đã là điều đáng quý.

Dương Hiển Tú (quê Điện Phong, Điện Bàn) - chàng kỹ sư công nghệ thông tin, sau những trầy trật, va vấp trên thị trường, chọn đi lại con đường tự bao đời nay của ông bà mình - con đường nông nghiệp hoa màu trên những doi đất ven sông. Và hẳn, đất đã không phụ lòng người. Tú bây giờ là ông chủ của chuỗi cửa hàng nông sản sạch - An Phú Farm tại TP.Đà Nẵng, quần quật với nông nghiệp và chăn nuôi bằng kỹ thuật khoa học ứng dụng trên nền tảng sản xuất truyền thống. Hay là hai anh em Lê Văn Lương và Nguyễn Thanh Vũ - ngay trên vùng đất ven sông Thu Bồn, chọn tạo lập tuổi trẻ của mình ở chính nơi mình đã sinh ra. Hai chàng kỵ binh (cavalry) như cái cách họ chọn để đặt cho thương hiệu máy rang xay cafe và cafe bột mình làm nên (Cavalry cafe) bên bờ sông Thu Bồn - Duy Hải (Duy Xuyên) để biểu thị cho quyết tâm không chùn bước. Lương nói ngày hai anh em từ những người làm thuê cho các ông chủ ở thành phố, bỏ tất cả để cầm cán cưa, cầm cuốc dựng quán cafe ven sông, rồi đêm mày mò các loại tài liệu để chế tạo máy rang xay cafe, thì biết lúc ấy mình đã cược sự an toàn vào một cuộc chơi lớn. “Dừng lại lúc này thì sẽ mất hết. Hai anh em động viên nhau trên từng chặng đường. Vũ giỏi ăn nói thì chịu phần kinh doanh, giới thiệu máy đến các quán xá ở khắp nơi. Lương mê cơ khí máy móc nên ngày đêm cày... để cải tiến kỹ năng và mẫu mã máy. Bây giờ tụi mình đã làm được một cái xưởng chế tạo máy với gần 10 nhân công, đơn đặt hàng đã xếp dày trên kệ” - Lương chia sẻ. Và đã có nhiều ông chủ tập đoàn kinh doanh cafe bột gọi họ về làm cùng. Nhưng Lương nói, mơ ước ngày trở về làng “khởi nghiệp” là muốn tạo một thương hiệu cafe sạch của Việt Nam, với những chàng kỵ binh cavalry không bao giờ biết dừng lại...

Sống cùng đất quê

Người trẻ về làng ngày mỗi nhiều hơn. Và lớp người đã bắt đầu tính chuyện an ổn, cũng bước chân về lại quê nhà. Làng gốm Thanh Hà (Hội An) hai năm gần đây, đã có nhiều người từ các nghề nghiệp khác, rong ruổi ở đủ mọi phố xa, về lại làng làm gốm.

Ông Lê Văn Xê, Trưởng ban Quản lý làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà nói, đã có 30 người là con của Thanh Hà trở về làng làm gốm. Những hộ làm du lịch ở trung tâm làng nghề chỉ chiếm 1/10 tổng số dân của phường Thanh Hà, tuy nhiên, cùng với chủ trương của chính quyền TP. Hội An, những người làm nghề gốm từ các khu phố khác nhau, đều được tạo điều kiện để làm du lịch. “Người dân làm nghề được chia làm hai hạng A và B. Hạng A là những nghệ nhân lớn tuổi. Từ tiền vé tham quan do thành phố trích xuất lại, cùng với việc bán sản phẩm lưu niệm cho du khách, trung bình tháng cao nhất người hạng A nhận hơn 7 triệu đồng, người hạng B nhận 4 triệu đồng. Thu nhập ổn định như vậy nên khoảng 2 năm trở lại đây, người dân quay về làng làm gốm nhiều hơn” - ông Xê nói.

Cầm tấm vé tham quan trên tay khi vào làng, dừng ở bất cứ ngôi nhà nào đang làm gốm, mỗi du khách đều được tặng một sản phẩm lưu niệm – là những con tò he đủ mọi hình dạng do du khách lựa chọn. “Mỗi con tò he được thành phố mua lại của hộ làm nghề với giá là 1.700 đồng. Trung bình một ngày mỗi hộ có thể đưa ra đến 50 con. Số lượng tò he càng được tặng nhiều thì thu nhập tháng đó sẽ tăng. Cùng với việc đưa làng gốm Thanh Hà vào tour tham quan bán vé của phố cổ Hội An, việc dùng chính sản phẩm người làng nghề làm được để tặng cho khách du lịch, một phần tạo dấu ấn của làng với du khách, một phần để người làm nghề truyền thống có thu nhập. Họ sẽ tiếp tục ở làng và làm nghề, khiến những ngôi làng ngày càng ấm áp hơn” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ về chủ trương bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở đô thị cổ.

Những ngôi làng khác, ở khắp nơi, như Thanh Hà vậy, đang rục rịch tìm cách để đưa vùng đất mình đi lên. Phát triển, làm giàu, trong ý niệm đầu tiên là để đời sống tại nơi đó không phải chứng kiến những cuộc chia xa...

Và người ta trở về, như lẽ tự nhiên, quen thuộc, thân thương, rằng đứa con nào đi xa, chẳng mong về quê mẹ...

XUÂN HIỀN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  766 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 11 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com