Nhờ thổ nhưỡng thích hợp, những năm gần đây nông dân Quế Thuận mạnh dạn phát triển mô hình trồng tiêu. Ảnh: N.S
Đổi thay nhiều mặt
Là địa phương có hơn 80% hộ dân sống dựa vào nông nghiệp nên thời gian qua xã Quế Thuận tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn những loại giống mới có chất lượng đưa vào canh tác đại trà nhằm nâng cao năng suất và giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 50 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với trước đây. Ngoài cây lúa, địa phương còn có 294ha đất màu. Hàng năm, người dân bố trí luân canh, xen canh, gối vụ một số loại cây trồng cạn như bắp lai, đậu phụng, sắn, mè… thu nhập 50 - 80 triệu đồng/ha. Ông Phan Duy Thanh - Chủ tịch UBND xã Quế Thuận cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên ngành chăn nuôi của xã phát triển ổn định, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi bò lai thâm canh, gà thịt, gà siêu trứng. Hiện toàn xã đã hình thành được 30 gia trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn, mỗi mô hình lãi ròng 50 - 150 triệu đồng/năm. Ông Thanh nói thêm: “Mười năm trở lại đây, địa phương đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và hỗ trợ nhiều khâu nên người dân Quế Thuận đã hình thành được hàng loạt vùng chuyên canh cây keo lai với tổng diện tích 650ha. Bình quân hàng năm, nông dân khai thác 120ha, thu về không dưới 7 tỷ đồng. Điển hình như gia đình bà Đinh Thị Bộ ở thôn Phú Dương sở hữu 60ha đất trồng keo nguyên liệu, mỗi năm có mức thu nhập khoảng 500 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, xã Quế Thuận cũng tranh thủ huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã cho hay, những ngày này các đơn vị thi công đang khẩn trương đổ bê tông tuyến đường chính từ cổng chào thôn Phước Thượng đến khu vực giáp ranh xã Quế Hiệp với chiều dài 2,7km, rộng 5m. Theo ông Sơn, trong quá trình thi công trục đường này, 108 hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, chặt bỏ cây cối và hiến nhiều diện tích đất với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng mà không đòi hỏi đền bù. Ông Sơn chia sẻ thêm: “Toàn xã có tổng cộng 33,69km đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm, đến nay đã đổ bê tông được 19,45km với tổng kinh phí đầu tư gần 14,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại do nhân dân đóng góp. Hiện các trường học, trạm y tế, nhà ở dân cư, hệ thống điện tại địa phương đều đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Không chỉ vậy, những năm qua công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt chú trọng. Theo đó, toàn xã đã có 100% hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và thực hiện mô hình thu gom rác thải trong các khu dân cư, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp”.
Còn lắm trở lực
Ngày 18.12.2012, Quế Thuận tổ chức lễ phát động xây dựng xã NTM. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 12 tiêu chí. Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, Quế Thuận đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11%, giảm 7,96% so với năm 2012; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,6 triệu đồng, tăng 12,4 triệu đồng so với cách đây 5 năm. |
Quế Thuận không nằm trong diện xã điểm NTM nên trong tiến trình thực hiện, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất hạn hẹp. Theo ông Phan Duy Thanh, điều đáng lo hiện nay là nguồn nước tưới cho cây trồng quá bấp bênh. Bởi ngoài hồ chứa Cây Thông, đập dâng Sông Cát và 4 trạm bơm nhỏ đảm nhận tưới tiêu cho hơn 120ha lúa thì 146ha đất lúa còn lại và gần 300ha đất màu đều dựa vào nước trời. Do vậy, những năm qua vụ hè thu nào nông dân Quế Thuận cũng phải bỏ hoang hàng loạt diện tích đất canh tác. Từ thực tế đó, địa phương mong muốn cấp trên sớm đầu tư thi công hồ chứa nước Lộc Đại Nam thuộc xã Quế Hiệp để đưa nước về tưới cho các cánh đồng ở Quế Thuận. Đồng thời quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xã có điều kiện kiên cố hóa 10km kênh mương trọng yếu.
Giao thông nội đồng với tổng chiều dài 20km hiện vẫn chưa được bê tông hóa, gây rất nhiều khó khăn cho nông dân trong việc vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp ra đồng, đưa nông sản sau thu hoạch về nhà và đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Ngoài ra, nhà văn hóa ở các thôn cũng chưa được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Ông Thanh nói: “Hiện nay, đời sống của người dân Quế Thuận chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do giá bán nhiều loại sản phẩm quá bấp bênh, nguồn thu nhập không cao nên việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng NTM gặp không ít khó khăn. Cạnh đó, trên địa bàn xã không có một công ty, xí nghiệp nào hoạt động sản xuất - kinh doanh, vì thế không thể kêu gọi xã hội hóa trong việc thi công kết cấu hạ tầng. Thời gian đến, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nhiều phía để thực hiện hoàn thành bộ 19 tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.