hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thầy giáo xứ Quảng dạy 6 vị tướng (23/11/2017)
Nhiều người biết Đại tá Doãn Mậu Hòe, nguyên Hiệu phó Trường Quân sự Quân khu 5, hiện ở 98 Nguyễn Văn Thoại, Đà Nẵng, là người thầy giáo dạy 6 vị tướng lừng danh của quân đội 60 năm trước, nhưng ít ai biết rằng, ông còn có công lớn góp phần đào tạo thế hệ cán bộ nòng cốt của Quân khu 5 sau này.
Đại tá Phạm Đình Vững đến thăm thầy giáo, Đại tá Doãn Mậu Hòe. Ảnh: HỒNG VÂN.
Đại tá Phạm Đình Vững đến thăm thầy giáo, Đại tá Doãn Mậu Hòe. Ảnh: HỒNG VÂN.

Đại tá Doãn Mậu Hòe quê xã Quế Phong, Quế Sơn, một vùng quê trung du nghèo. Gia đình nghèo khó nhưng cha mẹ vẫn cố gắng nuôi ông ăn học, thi đậu vào Trường Sư phạm sơ cấp ở Nông Sơn. Khi quân Pháp trở lại gây chiến khắp nơi, ông xung phong đi bộ đội, được cử đi học Trường võ bị Trần Quốc Tuấn - Liên khu 5 ở Quảng Ngãi, sau đó về chiến đấu ở Trung đoàn 108, rồi theo đơn vị tập kết ra Bắc năm 1954. Sau khi qua lớp bồi dưỡng giáo viên trợ lý văn hóa với tấm bằng loại giỏi, năm 1957 ông vinh dự được Tổng cục Chính trị chọn là một trong hai người dạy học cho 6 vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt (sau này là Trung tướng).

Nghỉ hưu sau 20 năm làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa và Hiệu phó Trường Quân sự Quân khu 5, Đại tá Doãn Mậu Hòe tưởng đã có thể thảnh thơi nghỉ ngơi. Vậy mà, về địa phương, ông không từ chối công tác xã hội khi được mời làm Khối trưởng kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 143 phường Mỹ An, Chủ tịch Hội khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, Phó Chủ tịch Hội khuyến học TP.Đà Nẵng và mới nghỉ 3 năm nay khi sức khỏe giảm sút. Ông được nhân dân địa phương tin yêu, được thành phố cử đi dự Hội nghị Người có công tiêu biểu toàn quốc, rồi đại biểu dự Hội nghị Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội. Đầu năm 2017, dù đã bước sang tuổi 86, ông được bầu chọn là một trong 20 công dân tiêu biểu của TP.Đà Nẵng, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương.

Trò tuổi đã lớn, nổi tiếng, chỉ huy hàng vạn người; thầy mới tuổi 25, cấp bậc thượng úy nên khi nhận nhiệm vụ ông không khỏi lúng túng. Mang giáo án đến lớp nhận… học trò, ông rất hồi hộp. Lớp học được tổ chức tại nhà riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt ở 116 Lý Nam Đế, Hà Nội. Trước 6 vị tướng oai phong, ông loay hoay không biết xưng hô thế nào cho phải. Nhận ra điều đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đỡ lời: “Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh; còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường trở lại là thủ trưởng và đồng chí”. Mọi người đều nhất trí. Từ đó thầy Hòe mới mạnh dạn đứng lớp một cách tự nhiên. Xác định vinh dự và trách nhiệm, thầy giáo Doãn Mậu Hòe lao vào nghiên cứu phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, khả năng từng học trò… thủ trưởng. Dạy chính là Hóa, Lý cấp 3, nhưng ông có thể dạy cả 3 cấp và nhiều môn học, trang bị nguồn kiến thức quan trọng cho 6 vị tướng thêm vững tin trên đường binh nghiệp.

Đại tá Doãn Mậu Hòe biết rằng vì hoàn cảnh chiến tranh mà các vị tướng phải dở dang đường học vấn, ông càng quý trọng. Ông càng khâm phục hơn khi các thủ trưởng đều rất kiên trì học tập. Dù bận việc quân, việc nước nhưng họ đều dành thời gian làm bài tập về nhà, đọc sách, tìm kiếm tài liệu đầy đủ theo yêu cầu của giáo viên. Đặc biệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những lần đi công tác xa, công việc bề bộn vẫn đưa thầy giáo theo để tranh thủ học, không bỏ dở giữa chừng. Các bài tập thầy ra về nhà làm, trò đều hoàn thành xuất sắc. Có lần đi kiểm tra một đơn vị về muộn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và thầy bày bàn học ngay tại thao trường, học đến gần nửa đêm mới quay về trại. Chỉ trong thời gian ngắn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thành các chương trình Hóa, Lý cấp 3.

Chia tay những học trò đặc biệt, thầy giáo Doãn Mậu Hòe được điều chuyển về dạy tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Các vị tướng có dịp đều ghé thăm thầy. Vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20.11 hằng năm, sáu học trò cùng tổ chức bữa cơm thân mật mời thầy giáo trẻ đến dự… Và một sự trùng hợp ngẫu nhiên, về trường mới, ông được phân công chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy cho nhiều người con của học trò cũ. Tình thầy trò càng thêm gắn bó. Kể cả sau này các con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái vẫn thỉnh thoảng đến thăm ông. Những tình cảm ấy làm ông cảm động nhớ mãi.

Từ trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, ông được điều chuyển sang dạy tại Trường Văn hóa Quân khu Tả Ngạn. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trường văn hóa được sáp nhập thành lập Trường Quân sự Quân khu 5. Khó khăn những ngày đầu thành lập trường mới không sao kể xiết. Do chiến tranh, cán bộ làm đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn nhưng có người chưa học xong cấp 1, trong khi yêu cầu cán bộ có trình độ mới được theo học các trường, học viện trong quân đội. Là Hiệu phó nhà trường, ông dồn tâm huyết bắt tay vào công tác giáo dục. Ông lựa chọn giáo viên từ cán bộ có trình độ ở quân khu, trong đó tập trung ở Lữ đoàn pháo binh 52 - đơn vị từ miền Bắc vào bổ sung cho chiến trường, có nhiều cán bộ, chiến sĩ trình độ đại học. Có đôi mắt của người từng làm quản lý, ông biết chọn người, chọn việc, đặt chính xác từng vị trí thích hợp. Khóa đầu tiên khai giảng có đến 500 học sinh, điều không ai có thể nghĩ đến. Các khóa sau, nhà trường chỉ còn dạy cấp 2, cấp 3 và sau này chỉ còn cấp 3, nhưng số lượng không hề giảm. Muốn có học trò tốt phải có thầy giỏi. Ông tổ chức các lớp thao giảng, thi giáo viên giỏi, kiểm tra gắt gao chất lượng lên lớp. Thấy đời sống cán bộ, giáo viên, học viên còn rất kham khổ, ông liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp đất cho giáo viên làm nhà, tăng gia sản xuất. Vì thế giáo viên trong trường luôn yên tâm gắn bó với công việc, đưa thành tích dạy và học ngày càng nâng cao. Có hàng chục sĩ quan từ mái trường này trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng. Đại tá Phạm Đình Vững - nguyên Trưởng phòng Tổ chức Quân khu 5, cũng từng là giáo viên dạy Toán nhớ về kỷ niệm với Đại tá Doãn Mậu Hòe: “Thầy Hòe rất tâm huyết với sự nghiệp trồng người, có tư duy đổi mới, coi chất lượng chuyên môn lên trên hết, biết khơi dậy tinh thần ham học của học sinh. Là người có trình độ toàn diện, đặc biệt là các môn tự nhiên nên ông luôn khuyến khích giáo viên thi dạy giỏi và thường xuyên có mặt theo dõi, động viên. Đội ngũ giáo viên chúng tôi thấy mình được trân trọng, luôn dành hết tâm huyết cho nghề”.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề giáo, Đại tá Doãn Mậu Hòe, người thầy của các vị tướng vẫn luôn là niềm tự hào của các thế hệ học sinh từ Bắc vào Nam, từ các tướng lĩnh đến những cán bộ trưởng thành trong quân ngũ.

HỒNG VÂN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,310 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 6 1 2 3 4 5 6
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com