Ông Đinh Văn Danh chăm sóc cúc đại đóa bị hư hại sau trận lũ vừa qua. Ảnh: Q.VIỆT
Không thể chậm trễ
Phường Cẩm Châu là một trong những vùng chuyên canh trồng hoa tết lớn nhất TP.Hội An với tổng diện tích gần 100.000m2. Sản xuất nhiều nên trong đợt bão lũ vừa qua nông dân thiệt hại lớn do hầu hết hoa bị ngập sâu. Những ngày này, nông dân trên địa bàn phường tất bật khôi phục vụ hoa tết. “Thay vì “cơi 2 lần” cho cúc đại đóa trồng vào tháng 9 âm lịch như mọi năm, giờ bắt đầu lại đã trễ vụ hơn một tháng, chúng tôi chỉ còn có thể “cơi 1 lần” vì thời gian không cho phép. “Cơi 1 lần” cây chỉ có 2 bộ rễ, hoa khó đạt chất lượng nên phải bổ sung thêm số lượng cây vào chậu. Chúng tôi chịu thiệt hại kép trong đợt bão lũ vừa qua. Dù gian khó nhưng cũng phải khôi phục sản xuất, không thể chậm trễ” - ông Đinh Văn Danh, khối phố An Mỹ, nói. Vụ hoa tết năm nay, hộ ông Châu trồng 1.200 chậu cúc đại đóa, hầu hết bị chìm trong nước lũ. Ông Danh đã phải liên hệ mua gấp số lượng hoa cúc để đủ bổ sung vào các chậu. Theo ông Danh, người trồng hoa cúc đại đóa bắt buộc phải tuân thủ quy trình “cơi” cho cây hoa. Sau 1 tháng cho cây vào chậu, người trồng sẽ “cơi lần 1” bằng cách cắt bỏ thân để cây đâm nhánh. Khi cây đâm nhánh, sẽ lấp đất pha cát để cây có thêm bộ rễ mới. Khoảng 1 tháng sau, quá trình đó lặp lại lần 2 cho cây tiếp tục đâm nhánh và có thêm bộ rễ mới. Năm nay chỉ cơi 1 lần, ông Danh mong thời tiết thuận lợi, có đủ nắng ấm để cây phát triển tốt, trổ hoa đúng dịp tết cổ truyền sắp tới.
Khuyến khích sử dụng phương pháp bón phân qua lá
Theo Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP. Hội An, sử dụng phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế trong sản xuất hoa cây cảnh rất dễ sử dụng, tốn ít công lao động, giá thành mua nguyên liệu thủy sinh ban đầu rẻ, giảm được 1/3 lượng phân bón, giúp nông dân tiết kiệm chi phí lại an toàn sức khỏe, giữ được chất lượng đất tốt cho các vụ sản xuất tiếp theo. Đặc biệt, phương pháp này có thể dùng cho nhiều loại cây, tạo cho cây có nhiều nụ, hoa nở to - đều - đẹp mắt. Ngành khuyến nông Hội An đang hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn mua thủy phân, đưa vào sử dụng đại trà trong trồng hoa, cây cảnh.
|
Theo thống kê của UBND phường Cẩm Châu, trên địa bàn có 28.300 chậu hoa bị hư hại, chủ yếu là cúc đại đóa. Để tái sản xuất, nhiều hộ đã phải chuyển trồng cúc đại đóa sang vạn thọ. Ông Nguyễn Nam, khối phố An Mỹ, cho biết: “Vạn thọ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cúc đại đóa. Bây giờ tôi bắt buộc phải thay thế toàn bộ số chậu cúc bị hỏng sang trồng vạn thọ dù cho loại hoa này đem lại thu nhập không cao. May là có thể khôi phục sản xuất, chứ không thì xôi hỏng bỏng không cả vụ hoa tết. Nếu lũ lại ập đến chắc mất trắng cả cúc lẫn vạn thọ, thiệt hại quá lớn”.
Tiếp sức cho nông dân
Ông Lê Ngọc - cán bộ phụ trách hoa, cây cảnh của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP.Hội An cho biết, qua khảo sát, thiệt hại của các nông hộ trồng hoa trên địa bàn là rất lớn, khoảng 100 nghìn chậu hoa bị hư hỏng, nhiều nhất là cúc đại đóa. Ngay sau lũ, ngành khuyến nông thành phố đã khuyến cáo các hộ nông dân nước rút đến đâu cứu vãn cho hoa đến đó. Nếu cúc chưa chết thì khẩn trương sửa sang, bón phân cho hoa tụ búp đều, có thể nở đúng dịp tết. Đối với các chậu trồng cúc đã chết, nông dân nên chuyển sang trồng các loại hoa tết ngắn ngày như ly ly, thược dược, vạn thọ. “Các địa phương trồng hoa tết trên địa bàn thành phố đều là vùng trũng thấp, ngập sâu trong nước khi có lũ lụt. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo nông hộ nên chuyển sang trồng hoa trong giỏ/chậu treo như dạ yến thảo, mai yến thảo, tô liên. Các loại hoa này ít tốn công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập lớn cho người trồng hoa. Trở ngại đối với nông dân trong tiếp thu mô hình mới này là họ chưa thể thay đổi tập quán sản xuất trong ngày một ngày hai” - ông Ngọc nói. Theo ông Ngọc, hoa treo trang trí trên giỏ có lợi thế hơn nhiều so với các loại hoa cúc, hoa cắt cành vì người mua không chịu áp lực về giá cả, nếu chăm bón tốt có thể làm cảnh quanh năm chứ không chỉ cho mấy ngày tết. Hoa trồng trong giỏ treo có số lượng nhiều, phong phú chủng loại, đa dạng sắc màu nên bắt mắt, thu hút được người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, trong đợt bão lũ vừa qua toàn tỉnh có đến 34.900 chậu cúc bị hư hại, trong đó có 28.900 chậu bị hư hại 30 - 70%, thiệt hại hơn 70% khoảng 6.000 chậu; ngoài ra còn có 200 chậu quật tết bị hư hại. “Đối với các loại hoa, cây cảnh bị hư hại do ngâm trong lũ, nông dân cần nhanh chóng khắc phục, khôi phục sản xuất; xới xáo kịp thời để giúp cây nhanh chóng hồi phục. Lưu ý bón phân lân để giúp bộ rễ cây phát triển tốt, tăng khả năng hút dưỡng chất, giúp cây sinh trưởng nhanh. Người trồng hoa cũng cần chú ý khâu chăm sóc, phát hiện sớm một số loại bệnh có thể gây hại cho hoa như lở cổ rễ, thối rễ” - ông Tân nói.