Giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trên địa bàn huyện Núi Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các xã tích cực tham gia thực hiện Đề án “Phát triểngiao thông nông thôn” và đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận tích cực từ trong nhân dân.
Xác định được tầm quan trọng này trong công tác phát triển giao thông, cùng với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Nhân dân làm nhà nước hỗ trợ”; trong năm 2014, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Tỉnh, Huyện, các xã, thị trấn huy động được sự đóng góp của Nhân dân với 5,457 tỷ đồng. Với quyết tâm cao và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân nên hầu hết các tuyến đường sau khi khởi công đều được hoàn thành đúng kế hoạch và tiến độ, đảm bảo giao thông đi lại cho bà con. Năm 2014, Núi Thành đã cơ bản hoàn thành kế hoạch GTNT với tổng chiều dài 20,62km, nâng tổng chiều dài thực hiện từ năm 2010 đến nay được 131,93/124,9 km, đạt 105,6% kế hoạch theo Đề án GTNT giai đoạn 2010-2015 được UBND tỉnh phê duyệt. Hầu hết các địa phương đã có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện GTNT; một số địa phương thực hiện tốt và đã hoàn thành công tác quyết toán như: Tam Nghĩa, Tam Mỹ Tây, Tam Sơn.
Giờ đây, khi đến các vùng nông thôn của huyện mới thấy được sự đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân. Bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã đã được bê tông hóa, sạch đẹp, nhà nhà phấn khởi vui mừng chuẩn bị đón xuân mới, lòng người như mở ra, đón chào những điều tốt đẹp nhất. Qua thực tiễn, có thể nhận thấy, bài học lớn nhất đã rút ra được từ việc làm đường GTNT, đó chính là phải xây dựng lòng tin và củng cố sự đoàn kết; công trình GTNT là công trình của người dân: người dân quyết định, người dân cùng Nhà nước đầu tư, người dân thi công và người dân giám sát. Vì thế, cần làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là những vùng khó khăn để nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương chung, thấy được lợi ích của việc bê tông hóa và mở mới các tuyến đường giao thông nông thôn, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Phát triển giao thông nông thôn là yêu cầu cấp thiết đối với xã hội, rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo và góp phần mang lại cho nông thôn một bộ mặt mới, tiềm năng mới để phát triển. Tuy nhiên, một số địa phương chưa khảo sát kỹ các tuyến đường nên khi lập hồ sơ trình phê duyệt chưa phù hợp với thực tế (như: thừa, thiếu chiều dài; mặt cắt không phù hợp; không bố trí các điểm tránh xe; thiếu công trình thoát nước qua đường...) nên khi giao kế hoạch vừa xong thì lại điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của huyện; một số địa phương thực hiện công tác quyết toán còn chậm như Tam Tiến, Tam Giang; nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu nên công tác khắc phục, duy tu, sửa chữa đường bộ còn mang tính chắp vá;...
Năm 2015, tổng chiều dài phê duyệt cho kế hoạch khoảng 29,88 km, do đó để triển khai thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch đã được phân bổ, yêu cầu các địa phương, trên cơ sở kế hoạch đã được UBND huyện phê duyệt họp dân để đưa ra mức huy động; đồng thời xây dựng phương án cụ thể để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung của huyện trong thời gian tới.