hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Làng nghề tre – dừa nước Cẩm Thanh: Hiu vắng và lãng phí (01/12/2014)
Được Phòng Kinh tế thành phố bàn giao chính quyền địa phương tổ chức quản lý, khai thác đến nay cũng sắp tròn 2 năm nhưng Khu trung tâm làng nghề tre – dừa nước Cẩm Thanh vẫn bị bỏ hoang vắng và lãng phí.

 Nằm không xa khu dân cư (thôn Thanh Tam Đông và thôn Thanh Tam Tây) là mấy nhưng trung tâm làng nghề này dường như bị tách biệt và vắng vẻ lạ thường. Người dân xung quanh phần đông gắn với nghề sông nước  của rừng dừa ngập mặn và nghề làm tre – tranh dừa này nhưng chẳng mấy ai thực sự tỏ tường và quan tâm đến nơi này. Họ rất dè dặt khi nói về cơ sở nghề mà có đến 25% số hộ gia đình đang từng ngày mưu sinh, đồng hành phát triển. “Không thể tập trung hết mọi người vào một địa điểm với diện tích hạn hẹp, điều kiện làm việc gò bó như vậy được. Chúng tôi quen sống, ăn, ngủ với nghề ngay ở ngôi nhà của mình, thoáng mát, tự do và thuận tiện nhiều thứ rồi!”, nhiều người dân thành thật chia sẻ.

Nhiều hộ dân vẫn hăng say với nghề truyền thống của quê hương.Ảnh: Đ.HUẤN
Nhiều hộ dân vẫn hăng say với nghề truyền thống của quê hương.Ảnh: Đ.HUẤN
Ông Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho biết: “Có được trung tâm này, địa phương rất cảm ơn Phòng kinh tế đã quan tâm và đầu tư trung tâm làng nghề này để địa phương có được cơ sở khá tốt. Trong quá trình làm, Phòng Kinh tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến thăm dò các hộ sản xuất làng nghề. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc quy hoạch tập trung sản xuất vào trung tâm làng nghề này cho thấy không phù hợp với tập quán, thói quen sản xuất của người lao động ở đây. Do đó đã nhiều lần vận động rồi mà người ta cũng không vào”.
 
Khu trung tâm làng nghề tre – dừa nước xã Cẩm Thanh có diện tích 1,5ha được đầu tư với nguồn vốn khoảng 4 tỷ đồng do Phòng Kinh tế thành phố làm chủ đầu tư, ra đời vào thời điểm du lịch sinh thái làng quê ở Cẩm Thanh chuyển động tích cực. Cơ sở hạ tầng gồm có: một nhà điều hành đón tiếp khách, 2 công trình phụ và 12 lô đất có diện tích 400m2 để người dân đưa tre, dừa nước đến sản xuất, trình diễn nghề, phục vụ đón khách đến tham quan...
 
Theo lãnh đạo địa phương, những năm gần đây, đời sống bà con nhân dân trong xã dần trở nên khấm khá nhờ nghề làm tranh, tre dừa nước truyền thống phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường du lịch. Nhiều hộ đã đầu tư máy móc, đa dạng sản phẩm thủ công cũng như dịch vụ, tạo điều kiện phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm cho con em địa phương. Thương hiệu làng nghề tre dừa nước cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Địa phương cũng nóng lòng bố trí các hộ sản xuất tập trung vào trung tâm với kỳ vọng tạo nơi đây thành điểm nhấn của vùng quê du lịch sinh thái. Quá trình chế biến, tạo tác sản phẩm của bà con và cả sản phẩm họ làm ra từ cây tre, cây dừa tại chỗ sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách tham quan, du lịch. Thế nhưng thực tế hiện tại là một không gian với những cảm xúc hiu buồn, vắng vẻ!
 
Khi được đề cập vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế Hội An “tế nhị” nói: “Bây giờ thực ra chỉ có 2 làng nghề chủ yếu thôi, đó là làng gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế, mới đúng nghĩa làng nghề của nó cả văn hóa, du lịch, truyền thống... Riêng làng mộc Kim Bồng và tranh – tre dừa lá Cẩm Thanh thì tôi đề nghị không nên nói nữa. chúng tôi sẽ về bàn bạc, làm việc với địa phương để có các giải pháp vì nó liên quan rất nhiều ngành, không đơn giản”.
 
Còn phía lãnh đạo địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Dũng đề nghị: “Địa phương xin chủ trương cấp trên nên chuyển đổi một phần công năng sử dụng, từ việc tập trung sản xuất trong trung tâm làng nghề sang một mô hình liên kết có phát triển dịch vụ du lịch thương mại kết hợp với trưng bày sản phẩm, mà chủ yếu khu vực này là làm điểm trưng bày sản phẩm và tập trung sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ với đặc điểm cần diện tích mặt bằng nhỏ hoặc vừa phải thôi”.
 
Du lịch Cẩm Thanh đang khởi sắc với các tour du lịch khám phá rừng dừa Bảy Mẫu bằng xe đạp, bằng thuyền thúng... Cần khẩn trương xây dựng phương án quản lý, điều hành hoạt động, kể cả việc cần ban hành những chính sách ưu đãi hợp lý đối với các hộ làm nghề... để trung tâm làng nghề tre – dừa nước Cẩm Thanh thực sự phát huy hiệu quả, vừa là hình ảnh giới thiệu sinh động về một làng nghề truyền thống vừa là một điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình du lịch sinh thái sông nước nơi “dòng sông gặp biển”  này.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,307 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 21 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com