hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Bảo tồn và phát triển cây quế Trà My (01/12/2014)
Thời gian qua, Quảng Nam đã có những động thái tích cực trong việc bảo tồn, phát triển thương hiệu “cao sơn ngọc quế” cho cây quế bản địa Trà My, bước đầu đạt kết quả khả quan.

 Phát triển vùng nguyên liệu

Quế Trà My từng là loại cây thoát nghèo của người dân vùng Trà My. Có một nghịch lý, dù quế gốc Trà My sản lượng còn rất ít, không đủ cung ứng cho doanh nghiệp thu mua, song người trồng quế luôn đối diện với tình trạng ép giá, cố tình đánh đồng chủng loại. Hiện, tại Bắc Trà My giá quế thu mua trong dân chỉ 200 nghìn đồng/kg quế kẹp tươi loại 1, quế xô 30 - 50 nghìn đồng/kg, quế cành khô 20 - 50 nghìn đồng/kg, quế vụn 10 - 20 nghìn đồng/kg. Từ năm 2012 đến nay, Công ty MTV Hương quế Hùng Dũng đã đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Năm 2013, công ty thu mua khoảng 1.554 tấn quế cành, lá, đưa vào chế biến 1.311 tấn. Sáu tháng đầu năm 2014, mức thu mua của công ty đạt 1.500 tấn, chủ yếu phục vụ chế biến tinh dầu quế cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Có thể nói, ngoài một số doanh nghiệp, Công ty MTV Hương quế Hùng Dũng đã góp phần đáng kể vào việc tiêu thụ nguyên liệu cho vùng Trà My. Tuy nhiên, dù số lượng thu mua có phần khả quan, song giá trị thu mua vẫn còn thấp, chưa đáp ứng niềm mong mỏi của người trồng quế. Anh Hồ Văn Vân, một hộ trồng quế xã Trà Giác (Bắc Trà My) chia sẻ: “Nếu giai đoạn 1995 về trước, một cây quế có giá hơn 10 triệu đồng thì suốt thời gian dài. Sau đó, cây quế rớt giá thê thảm. Bà con Trà My ít nhiều vẫn giữ lại cây quế, song đời sống bấp bênh. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, tháo gỡ vấn đề giá cả, thị trường, người dân chúng tôi mừng biết mấy”.
Sơ chế quế Trà My. Ảnh: B.L
Sơ chế quế Trà My. Ảnh: B.L
Tại Bắc Trà My, những năm qua, bên cạnh phát triển một số loài cây trồng mới nhằm chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng, huyện đã có chính sách bảo tồn và phát triển cây quế bản địa. Ông Nguyễn Hồng Vương - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, hiện toàn huyện còn khoảng 850ha quế được trồng rải rác trong dân và thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển vùng trồng mới 365ha. Cũng theo ông Vương, phương án bảo tồn và phát triển cây quế Trà My đã được huyện phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Theo đó, năm 2012, huyện đã chi 200 triệu đồng cấp giống hỗ trợ với số lượng 98.040 cây giống cho nhân dân các xã Trà Dương, Trà Giang, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giáp và thị trấn Bắc Trà My trồng phục hồi. Năm 2013, có 120.400 cây giống tiếp tục được cấp cho xã Trà Giáp với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Năm 2014, huyện cũng tiếp tục chi 100 triệu đồng cấp 48.564 cây giống hỗ trợ đến bà con Trà Giáp trồng mở rộng diện tích. Có thể thấy, động thái bảo tồn và phát triển cây quế của huyện Bắc Trà My là hướng tích cực, song trước khó khăn về nguồn giống gốc, khoảng trống về đầu tư quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quế bản địa cùng với sự trông chờ vào hỗ trợ của người dân bản địa… thì những đầu tư đó còn như “muối bỏ biển”.
 
Phát triển thương hiệu
 
Những năm qua, Sở Khoa học - công nghệ đã chủ trì một số dự án về bảo hộ và phát triển thương hiệu quế Trà My. Cụ thể như, dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Trà My cho sản phẩm quế tỉnh Quảng Nam” đã khẳng định lại giá trị của “cao sơn ngọc quế” Trà My với hàm lượng và chất lượng tinh dầu, chỉ tiêu aldehyt cinnamic, chỉ số khúc xạ, tỷ trọng… cũng cao hơn nhiều so với các loại quế thuộc vùng Quảng Ngãi, Tiên Phước, Thanh Hóa, Nghệ An… Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận CDĐL Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh. Sản phẩm quế được đăng bạ CDĐL mở ra cơ hội song cũng là một thách thức cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, người trồng quế bởi việc xây dựng CDĐL đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống từ người trồng quế, cơ sở chế biến, tổ chức tiêu thụ (tư thương, doanh nghiệp), cho tới hiệp hội và sự quản lý của các cơ quan nhà nước… Mới đây, Viện Nông hóa thổ nhưỡng (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cũng đã xây dựng được đề xuất mô hình tổng thể hệ thống văn bản quản lý và kiểm soát CDĐL quế Trà My để làm cơ sở cho việc hoạch định và xây dựng các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển vùng quế Trà My bền vững trước mắt và lâu dài. Theo đó, viện đã xây dựng được mô hình tổng thể về hệ thống văn bản quản lý và kiểm soát CDĐL Trà My cho sản phẩm quế vỏ tại 4 xã Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My), Trà Giác, Trà Giáp (Bắc Trà My). Hệ thống văn bản quy định nhiệm vụ, chức năng của cơ quan sở hữu, quản lý CDĐL như UBND tỉnh, Sở KH-CN, Hội Quế Trà My, hội đồng tư vấn về sử dụng và phát triển CDĐL...
 
Hội Quế Trà My được thành lập là kỳ vọng của người trồng quế. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Quế Trà My chia sẻ, hội được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng CDĐL, đại diện cho lợi ích hợp pháp của người trồng quế và doanh nghiệp. Kỳ vọng của hội là vừa duy trì, phát triển được danh tiếng của “ngọc quế”, vừa là cầu nối giữa cơ quan nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Hội còn có nhiệm vụ kiểm soát nhãn mác, gắn nhãn mác lên sản phẩm tiêu thụ, đồng thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhãn mác trên thị trường… Cũng theo ông Nghĩa, với kỳ vọng đó, nhiệm vụ của Hội Quế Trà My là hết sức khó khăn, nặng nề. Để làm được điều đó, trước mắt phải kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, phát huy vai trò và tiếng nói của hội. Bởi lẽ công tác quản lý nhà nước về cây quế thời gian qua bị thả nổi, bây giờ đưa vào quy trình là cả một vấn đề, không đơn giản.
 
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng để phục hồi và phát triển cây quế Trà My, cần phải có chính sách quy hoạch đất đai, hỗ trợ người dân lấy ngắn nuôi dài, đồng thời có cơ chế, chính sách bảo tồn nguồn gen quý. Theo ông Tích, chương trình công tác năm 2015, Sở KH-CN đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh và Sở NN&PTNT ban hành cơ chế phát triển cây quế Trà My. Về phía Sở KH-CN, sở sẵn sàng hợp tác trong các dự án phát triển cây quế, cung cấp cơ sở dữ liệu và thông tin để phục vụ phát triển. “Cây quế cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích riêng, đặc thù, khác với các loài cây khác. Ví như sâm Ngọc Linh, loài dược liệu này chỉ cần 7 năm tuổi là có thể khai thác được, song đối với cây quế, phải mất 15 năm mới có thể cho hàm lượng tinh dầu cao. Một đời người chỉ có thể thu hoạch dăm ba vụ quế” - ông Tích nhấn mạnh.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,141 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 21 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com