hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Liên kết để bảo vệ rừng (21/04/2014)
Sau 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) và quản lý lâm sản vùng giáp ranh 2012 – 2013 giữa ba tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum, công tác BVR và phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 Nhiều chuyển biến tích cực

 
 
 
 
 
 
Khu vực rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trữ lượng gỗ lớn, có những loài động-thực vật và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của vùng Đông, Tây Trường Sơn hội tụ. Do đó, dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại đến rừng. Đặc biệt rừng ở khu vực này còn có tác dụng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống của nhân dân 3 tỉnh. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, nằm xa trung tâm nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nếu không có sự phối kết hợp tốt từ chính quyền địa phương các vùng giáp ranh. Từ thực trạng đó, chính quyền địa phương các tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng rừng giáp ranh. Bước đầu, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh từng bước đã được kiểm soát và ngăn chặn.
 
 
Lực lượng Kiểm lâm Quảng Nam trong một đợt kiểm tra, truy quét lâm tặc
 
Thực hiện theo nội dung Quy chế phối hợp, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện chế độ thông tin cho nhau kịp thời. Đồng thời, các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh của 3 tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, các Hội, đoàn thể tại địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chủ trường, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Với cách thức tổ chức tuyên truyền đi vào chiều sâu, làm cho nhận thức về pháp luật và các chính sách về lâm nghiệp của người dân được nâng cao, đã tạo chuyển biển tích cực về nhận thức trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng của người dân địa phương. Trong thời gian qua, đã có 686/24.432 lượt người dân, cán bộ cấp thôn, cấp xã vùng rừng giáp ranh được tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và quản lý bảo vệ rừng, nhờ đó đã giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần làm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng’.
 
Ngoài ra, với chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở một số địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm cho rừng thật sự có chủ và góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Song song với công tác tuyên truyên, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, các Hạt Kiểm lâm vùng rừng giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc 3 tỉnh đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tổ chức nhiều đợt truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Theo báo cáo, trong 2 năm (2012-2013), các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh; Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum đã tổ chức được 1.136 đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh. Phát hiện lập biên bản 554 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Thu nộp ngân sách Nhà nước (tiền phạt, bán tang vật) hơn 6 tỷ đồng.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
Hiệu quả từ Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh giữa Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum trong thời gian qua là không ít. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng kiểm lâm của 3 tỉnh vẫn vấp phải nhiều khó khăn, nhất là việc đối phó với nạn chặt phá rừng, khai thác các loại tài nguyên rừng quý hiếm.
 
Thực trạng hiện nay cho thấy, nhu cầu sử dụng gỗ trong xã hội ngày càng cao và lợi nhuận trong khâu khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép là rất lớn đã làm cho nhiều đối tượng xem thường pháp luật, sẵn sàng chống đối lại lực lượng kiểm lâm để thực hiện các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, lợi dụng địa hùng vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, các đối tượng đã tổ chức khai thác khoáng sản trái phép, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, gây sạt lở đất vùi lấp cây rừng…
 
Bên cạnh đó, dân cư địa bàn vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, đời sống dựa vào phát nương làm rẫy. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào trồng rừng nguyên liệu phát triển mạnh, một bộ phận không nhỏ người dân đã lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất, làm cho vốn rừng ở khu vực này có nguy cơ bị suy giảm. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm hầu hết các tỉnh chưa đảm bảo về chất lượng, số lượng so với diện tích rừng hiện có cũng như yêu cầu, nhiệm vụ cấp trong công tác bảo vệ rừng.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Quang- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với lực lượng kiểm lâm là triệt phá các nhóm lâm tặc. Trên thực tế, việc triệt phá hoàn toàn các nhóm lâm tặc là rất khó khăn. Khi bị phát hiện thì các nhóm đối tượng này lại di chuyển sang vùng rừng thuộc địa phận khác, sau một thời gian lại quay trở lại khai thác trái phép. Đặc biệt, do nguồn lợi quá lớn từ việc khai thác tài nguyên rừng, đặc biệt là các loại gỗ quý hiếm, các nhóm lâm tặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện. Nguy hiểm hơn, khi các lâm tặc này rất manh động, liều lĩnh, hoạt động có tổ chức, với số lượng đông, được trang bị vũ khí. Đã không ít trường hợp các cán bộ kiểm lâm phải đối mặt sự nguy hiểm đến tính mạng khi tiến hành các đợt kiểm tra, truy quét.
 
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại đến rừng còn quá nhẹ, phải xử lý nghiêm để răn đe. Cũng theo ông Hải, bảo vệ và phát triển rừng là sự nghiệp của toàn dân, của hệ thống chính trị, cần phải thực hiện đồng bộ và sâu rộng hơn nữa.
 
 Từ bao đời nay, chúng ta đã quen với câu “rừng vàng, biển bạc” và mặc nhiên khai thác, tận diệt mà không quan tâm tới hậu quả của nó. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra các thiên tai như hạn hán, lũ lụt…ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. Thiết nghĩ, cần xem công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số tại vùng rừng giáp ranh. 
 

Thúy Hằng (quangnam.gov.vn)

Lượt xem:  1,215 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 16 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com