Kinh tế giảm sút
Trở lại Tam Trà vào những ngày đầu tháng 4, chúng tôi cảm nhận vùng đất này chưa có thay đổi lớn ngoài con đường thảm nhựa lượn lờ trên những quả đồi lô nhô. Mới bước vào đầu mùa khô mà nhiều đồng đất, nương rẫy đã bỏ hoang. Trên những khoảnh đất trống trên núi, người dân múc từng gáo nước tưới xuống cây keo con vừa mới trồng. Hệ thống kênh mương thủy lợi toàn xã chỉ mới kiên cố 600m, không có công trình phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nên lâu nay người dân vẫn chờ vào nước trời. Vụ hè thu, cả xã có khoảng 70ha gieo sạ, hàng chục héc ta phải chuyển sang trồng cạn vì khô hạn nên năng suất lúa bình quân chỉ hơn 40ta/ha. Mô hình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” chỉ có 26 hộ triển khai được 2ha tại các cánh đồng của thôn Trường Cửu 1 và Phú Thạnh. Năm 2013, sản xuất trồng trọt gặp khó nên tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đã giảm ít nhất 20% so với năm 2012. Đặc biệt, cũng thời điểm này, xã chỉ nuôi 345 con bò, 417 con heo (giảm gần 30% so với năm trước). Số lượng chăn nuôi này chưa bằng một nửa so với một thôn của xã điểm NTM Tam Phước (Phú Ninh).
|
Thiếu đất trồng trọt, đời sống người dân ở TamTrà rất bấp bênh. |
Các nơi có đồng bào Co sinh sống như ở thôn 2, 4 và 8 của xã Tam Trà, đời sống người dân càng khó trăm bề. Nhiều phụ nữ lên rừng kiếm sống với nghề bứt lá đót làm chổi, làm công trồng, chăm sóc cây keo; trong khi đó, thanh niên đi làm thuê mướn khắp nơi, phá rừng và khai thác vàng trên núi. Chỉ cần chốt chặn ở con đường chính ra vào rừng tự nhiên, sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều tốp thanh niên chở từng phách gỗ lậu ra ngoài tiêu thụ. Chính quyền thừa nhận, có một đội quân phá rừng chuyên dùng xe máy vận chuyển gỗ trái phép. Hơn 80% người dân ở Tam Trà sống phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng diện tích canh tác trồng trọt ít ỏi, chủ yếu là đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp. Chủ tịch UBND xã Tam Trà – ông Nguyễn Ngọc Mười cho rằng, làm nông nghiệp đầu tiên phải nói đến đất trồng trọt, song chính vì tình trạng khan hiếm tư liệu sản xuất đã làm cho nông dân trong xã canh tác bấp bênh, loay hoay thoát nghèo.
|
Đường về Tam Trà.Ảnh: T. HỮU |
Khó đảm bảo tiêu chí
Năm 2014, phấn đấu 5 xã hoàn thành NTM
Năm nay, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu 5 xã hoàn thành xã NTM, gồm Điện Quang, Điện Trung, Tam Phước, Đại Hiệp và Tam An. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 là tiếp tục chỉ đạo công tác lập quy hoạch và đề án NTM; rà soát, đánh giá kết quả đạt các tiêu chí; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; huy động, lồng ghép nguồn lực và sử dụng vốn phân bổ cho chương trình hiệu quả. |
Mười năm qua, Tam Trà hầu như chưa ra đời một cơ sở sản xuất, kinh doanh nào có thể giải quyết ổn định cho hơn 5 lao động. Con đường giao thương buôn bán như bị đóng kín bởi địa hình xa xôi, cách trở; nơi đây không có chợ kiên cố. Một số lớp tập huấn, đào tạo nghề đã mở ra, song thực tế chưa phát huy hiệu quả. Ví như, mô hình trồng rau an toàn, nuôi cá nước ngọt của người dân cũng chỉ mới dừng lại ở hình thức nông hộ, chưa có sản phẩm ra thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Mười phân tích, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” xuất phát từ cái nghèo dai dẳng. Năm 2013, toàn xã có 852 hộ thì có đến 251 hộ nghèo (chiếm hơn 29%) và 244 hộ cận nghèo (chiếm gần 29%). Trước khi xây dựng NTM, trong số 19 tiêu chí thì địa phương chỉ có 1 tiêu chí đạt trên 90% là phủ sóng mạng lưới điện nông thôn. Về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, trước khi phát động NTM, xã chỉ đạt mức 4,4 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với quy định 6,6 triệu đồng. “Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến chậm, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh nên năng suất trên một đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất bấp bênh. Thêm nữa, địa phương vẫn còn xa lạ với các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa làm vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ” – ông Mười nhìn nhận thực trạng.
Theo đề án xây dựng NTM xã Tam Trà, đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 10 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%; lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư chỉ còn 50%. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, mục tiêu trên quá xa vời, khó thực hiện đúng tiến độ.