|
Tách vỏ hàu. Ảnh: T.Đ |
Tranh thủ thời gian chồng ra khơi đánh bắt, chị Trần Thị Vui ở thôn Sâm Linh Tây (Tam Quang) cùng bà con trong xóm cùng nhau lặn vớt hàu mang về tách vỏ bán cho các đầu mối để kiếm thêm thu nhập. Sau một chuyến lặn vớt hàu vất vả trở về, trên mặt còn đẫm mồ hôi nhễ nhại, chị Vui cho biết: “Tôi và chị em trong xóm phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng để ra khơi, chọn trước những chỗ nhiều hàu để lặn”. Tùy vào điều kiện và khả năng mà mỗi người chọn cho mình cách bắt hàu. Những chị em có điều kiện sắm sửa ghe máy có thể đi xa bờ hơn nên có thể bắt được những con hàu to và bán giá cao hơn. Ở những nơi này, đòi hỏi người bắt phải bơi lội giỏi, lặn được hơi dài hơn. Còn với người không giỏi bơi thì chọn cách thu hoạch gần bờ, lúc thủy triều xuống có thể dễ dàng bắt được hàu. Hàu nhỏ thường được bán để làm thức ăn cho tôm, cá. Còn hàu to có thể bán cho các nhà hàng. Mỗi chuyến đi và về như thế cũng mất đến nửa ngày. Khoảng 11 giờ trưa, các bến thuyền quanh khu dân cư tấp nập các ghe hàu cập bến. “Nghề bắt hàu nói chung là vất vả, nhưng ngày làm có thể hơn một trăm nghìn đồng.
Thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang có hơn 400 hộ dân, trong đó gần 70% hộ dân làm nghề khai thác hàu tự nhiên. Các xã cánh biển khác của huyện Núi Thành như Tam Giang, Tam Hải cũng có hàng trăm lao động nữ tham gia vào nghề khai thác hàu tự nhiên này. Từ hơn 10 năm nay, việc khai thác và chế biến hàu đã trở thành nghề chính của đa số người dân nơi đây. Tuy quá trình khai thác, tách vỏ hàu tốn khá nhiều thời gian và công sức, song với giá thu mua từ các đầu mối ít dao động nên thu nhập của người dân tương đối ổn định. Trung bình một ngày, mỗi hộ khai thác được từ 3 - 5 kg hàu lớn nhỏ, giá 1kg hàu đã tách vỏ tầm 40.000 đồng. Thu nhập hàng tháng mỗi ngư dân làm hàu khoảng 1,5 - 2 triệu đồng.
Không chỉ thu hút lao động nữ, nghề khai thác hàu cũng được nhiều đàn ông ở vùng sông nước ở cánh đông huyện Núi Thành chọn làm nghề “tay trái” sau những ngày đánh bắt xa bờ. “Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, tàu của tôi làm ăn thua lỗ, may mà có cái nghề hàu nên có thêm thu nhập chứ không cũng khó lắm” - anh Lê Văn Trực ở xã Tam Quang cho biết. Hàu tự nhiên có quanh năm, mỗi tháng đều đặn từ 15 đến 20 ngày có thể khai thác được, nhờ đó giúp nhiều lao động biển có việc làm. “Không có nghề khai thác hàu tự nhiên thì vấn đề tạo việc làm cho chị em phụ nữ và những lao động nhàn rỗi cũng là điều rất khó khăn cho địa phương” - ông Võ Thảo, Trưởng thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang khẳng định.