hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Động lực phát triển kinh tế miền núi (21/10/2019)
Trong những năm gần đây, các huyện miền núi trên địa bàn của tỉnh đã vận dụng nhiều chính sách ưu đãi, ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, vận động nhân dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương...
Các quy trình sản xuất của HTX Nông dược xanh Tiên Phước được khép kín, kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.  Ảnh: Đ.H
Các quy trình sản xuất của HTX Nông dược xanh Tiên Phước được khép kín, kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Đ.H

Nhờ đó, nhiều loại hình kinh tế như hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ra đời có điều kiện phát triển, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân hướng tới sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để kinh tế HTX thật sự đóng góp tích cực hơn cho xây dựng nông thôn mới và tạo động lực cho phát triển kinh tế miền núi thì còn nhiều việc phải làm.

Những mô hình hiệu quả

HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih (huyện Đông Giang) là một trong những HTX kiểu mới, triển khai có hiệu quả mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng của địa phương và phát triển theo nhu cầu của thị trường. Kể từ khi huyện Đông Giang có chủ trương phát triển sản phẩm ớt Ariêu theo hướng hàng hóa, HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ớt Ariêu cung ứng trên thị trường.

Khác với cách trồng truyền thống trước đây, cây ớt Ariêu được HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ số 14 hộ tham gia, đến nay HTX có đến 30 hộ thành viên, nâng tổng diện tích trồng ớt Ariêu theo tiêu chuẩn VietGAP lên 10ha. Với phương thức sản xuất tiên tiến, chất lượng sản phẩm nâng cao, ớt Ariêu của HTX sản xuất đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây là động lực để HTX tập trung mở rộng diện tích canh tác, đưa sản phẩm ớt Ariêu đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận được thành lập trên đề án xây dựng phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của xã Hiệp Thuận (Hiệp Đức). Với 15 thành viên, đến nay HTX Hiệp Thuận đầu tư mở rộng diện tích rừng trồng khoảng 200ha, trong đó có hơn 100ha được cấp chứng nhận FSC. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX - ông Nguyễn Hữu Dương cho biết, lợi ích lớn từ việc trồng rừng theo chứng chỉ FSC không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Trước đây, bà con xã viên chủ yếu trồng rừng theo phương pháp truyền thống, chưa quen với cách trồng rừng tiêu chuẩn FSC của Hiệp hội Quản lý rừng quốc tế. Kể từ khi hướng dẫn trồng rừng FSC, bà con xã viên được tiếp cận với những hỗ trợ kỹ thuật mới, nên các thói quen cũ dần được thay đổi, năng suất lao động, thu nhập từ trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài mở rộng diện tích trồng rừng FSC, HTX Hiệp Thuận đầu tư xây dựng các vườn ươm giống, đảm nhận cung ứng dịch vụ giống, hỗ trợ kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tham gia trồng rừng gỗ lớn ở địa phương.

Cần tháo gỡ khó khăn

Hiện ở 9 huyện miền núi của tỉnh có 65 HTX đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX tuy mới đi vào hoạt động như HTX Nông dược xanh Tiên Phước,  HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình, HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh (Tây Giang),  HTX Dệt thổ cẩm Cơ Tu Zara (Nam Giang)... đã không ngừng mở rộng tăng cường liên doanh, liên kết trong hoạt động, sản xuất, đảm nhận cung ứng dịch vụ bao tiêu sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người dân địa phương.

Tuy nhiên, so với đồng bằng, các HTX miền núi hoạt động sản xuất kinh doanh trong môi trường không mấy thuận lợi. Địa hình giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cho sản xuất và dân sinh. Năng suất, sản lượng một số cây trồng, con vật nuôi ở các xã miền núi chưa cao, mang tính tự cung, tự cấp còn phổ biến. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lớn còn nhiều hạn chế... Những vấn đề đó đang là lực cản rất lớn cho kinh tế miền núi phát triển.

Khó khăn lớn nhất các HTX miền núi của tỉnh đang gặp phải là hầu hết có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, luôn trong tình trạng thiếu vốn lưu động, cho nên việc đầu tư mở rộng sản xuất luôn bị ách tắc, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế ở địa phương. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chưa chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển, nhiều đại diện các HTX miền núi cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay về tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, tiếp cận đất đai; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Ông Ta Ngôn Thơm - đại diện HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh đề nghị: “Do xuất phát điểm thấp, các HTX miền núi cần có cơ chế đặc thù nhằm mở rộng, thu hút thành viên tham gia HTX. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc, ưu tiên phát triển các HTX hoạt động sản xuất gắn với chuỗi cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, để giải quyết việc làm ổn định cho đồng bào miền núi, từng bước thoát nghèo bền vững”.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  690 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 116 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com