hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Kinh nghiệm từ mô hình tích tụ ruộng đất ở xã Bình Đào (24/09/2019)
Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn đang là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy, việc tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Bình Đào là địa phương thực hiện thí điểm mô hình tích tụ tập trung ruộng đất của tỉnh Quảng Nam và bước đầu đã đạt được những kết quả rất tích cực.
     Bình Đào là xã thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 750ha. Mặc dù địa phương đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa nhưng đồng ruộng vẫn còn manh mún. Bình quân diện tích đất canh tác trên một người khoảng 400m2 nên khi dồn điền cũng chưa có diện tích lớn, chưa ứng dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, cũng như chưa tạo nên vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, hiệu quả thu được trên một đơn vị diện tích còn quá thấp. Từ khi tỉnh triển khai các dự án trọng điểm vùng Đông, lực lượng lao động nông nghiệp bắt đầu chuyển dịch sang các ngành nghề khác dẫn đển việc người nông dân cho thuê ruộng đất, chuyển nhượng ruộng đất để đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn, có xu hướng ngày một gia tăng. Năm 2016, UBND huyện Thăng Bình đã có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, do vậy việc tích tụ, tập trung ruộng đất là tất yếu khách quan của quá trình phát triển của xã hội. Đây cũng là thời điểm và điều kiện thích hợp cho địa phương thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phân bổ, cơ cấu lao động giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn xã.
     Ban đầu, liên kết sản xuất được 15,3ha với 163 hộ. Sau một năm thực hiện thí điểm, đến năm 2017 HTX đã mở rộng phương án, nhân rộng mô hình tăng lên 40 ha. Theo phương án đến năm 2020, HTX thực hiện tích tụ ruộng đất khoảng 100 ha, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Quy mô từ 147 thửa (10 ha sản xuất giống) xuống còn 57 thửa, có nhiều thửa từ 7.500 m2 - 8.500 m2. Giải phóng tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của ruộng đất, tạo nên cánh đồng lớn sản xuất tập trung, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, sản xuất lớn đối với nông dân. Thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Do nhu cầu phát triển sản xuất, đến nay HTX đã mua sắm được 02 máy cấy, 2.200 khay mạ, 01 máy cày, 01 máy gặt đập liên hợp, 01 máy thu hoạch đậu, máy tỉa đậu, 02 bông ép dầu bằng hệ thống nhông chuyền điện, 01 lò sấy có công suất trên 14 tấn/mẽ, hệ thống sân phơi, kho chứa...với kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Có điều kiện để áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng giảm chi phí sản xuất, tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đối với sản xuất giống lúa, chênh lệch 15,78 triệu/ha; mô hình sản xuất giống đậu phụng L23 cho năng suất 34 tạ/ha, tăng 16 - 22 tạ/ha so với những ruộng đậu phụng nông dân địa phương gieo trồng đại trà những năm trước, giá trị kinh tế tăng 2,5 lần so với trồng lúa.
     Qua kết quả đạt được về hiệu quả kinh tế cũng như xã hội trong việc tích tụ ruộng đất cho thấy chủ trương thực hiện là hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần tích cực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành nên ngành nông nghiệp có quy mô sản xuất tập trung, gắn với cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng được đồng bộ, tạo ra mối liên hệ, hợp tác và liên kểt giữa 04 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp được chặt chẽ và gắn bỏ hơn trong sản xuất. Góp phần phân công lại lao động xã hội nói chung và lao động trong nông nghiệp nói riêng, sắp xếp lại lao động tại địa phương phù hợp với điều kiện đất đai và điều kiện kinh tế xã hội. Tạo ra sản phẩm xã hội tập trung và nâng cao năng suất lao động chất lượng cao hơn; đủ sức cạnh tranh với thị trường. Tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức sống người nông dân nông thôn, góp phần thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất lúa trên cánh đồng tích tụ ruộng đất ở Bình Đào
     Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình có thể rút ra một số kinh nghiệm, đó là:
     - Thống nhất quan điểm chỉ đạo và hành động của các cấp chính quyền, nội dung thực tế và linh hoạt từng trường hợp cụ thể. Tạo nên sự đồng thuận của nhân dân ngay từ đầu triển khai phương án.
     - Xác lập và bảo hộ tính pháp lý giữa người dân tham gia tích tụ tập trung ruộng đất với HTX và liên kết sản xuất trong thời gian dài (nếu sau 05 năm không thực hiện liên kết thì HTX trả nguyên hiện trạng thửa ruộng cho nhân dân theo hợp đồng).
     - Công khai minh bạch quyền và nghĩa vụ của người dân tham gia tích tụ tập trung ruộng đất liên kết sản xuất với HTX và HTX với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức sản xuất, người dân được tham gia lao động các khâu dịch vụ cho HTX.
     - Vai trò liên doanh, liên kết của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX, đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định sự thành công trong việc tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất trong giai đoạn đầu cũng như lâu dài khi nguồn lực HTX chưa đủ mạnh.
     - Ruộng đất được tích tụ là điều kiện cần và đủ, là tài sản của tổ chức, cá nhân hộ gia đình trong quá trình mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Khi đầu tư phải khảo sát, đánh giá tiềm năng và xác định nhu cầu của cánh đồng cần tích tụ. Tích tụ là giải pháp căn cơ; liên kết góp đất chỉ là giải pháp tạm thời trong quá trình tổ chức sản xuất xây dựng cánh đồng lớn..., xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
     - Mạnh dạn xóa bỏ tư tưởng cố hữu, bảo thủ của một bộ phận nông dân là điều kiện tất yếu quan trọng trong quá trình tổ chức xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa theo phương án tích tụ, tập trung ruộng đất, là điều kiện kêu gọi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp tại địa phương.
     - Thường xuyên phối họp với những đơn vị liên quan của huyện thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ hiện trạng khu vực tập trung, tích tụ ruộng đất. Đồng thời, đề xuất những biện pháp xây dựng các công trình để chủ động phục vụ sản xuất cũng như hỗ trợ mua sắm các loại máy móc, nông cụ thiết yếu...
     - Đối với những HTX nông nghiệp, cần phải chủ động làm việc với các doanh nghiệp để xác định cụ thể diện tích sản xuất và cơ cấu cây trồng nhằm tránh tình trạng sản xuất thừa hoặc thiếu sản phẩm cung cấp cho thị trường. Cạnh đó, chú trọng việc củng cố, bổ sung nguồn lao động cho các tổ sản xuất đảm bảo về số lượng, chất lượng và giao việc cụ thể cho cán bộ đứng điểm tại các cánh đồng để thực hiện tốt phương án tập trung, tích tụ ruộng đất...
     Có thể nói, thành công từ mô hình tích tụ ruộng đất ở Bình Đào đã cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay nên cần tiếp tục được nhân rộng. Việc thực hiện mô hình đã tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, góp phần tạo cơ sở để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa. Từ đó tạo điều kiện tối đa cho người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng và cải thiện đời sống.
 

 

Theo thangbinh.gov.vn

Lượt xem:  1,258 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 55 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com