Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ số cũng tham gia mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương còn gặp không ít rào cản và thách thức, như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp còn thấp nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 10%.
Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều dữ liệu nhất, nhưng tỉ lệ thu thập còn ít; chuyển đổi số còn mới mẻ với cả người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là người nông dân. Trong khi đó, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp, chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Kiến nghị một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX công nghệ tham gia thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Đồng thời chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại như: Hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu; Cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế; Thiếu nhân lực tham gia thực hiện chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tham gia chuyển đổi số còn hạn chế...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo xu thế chung. Hợp nhất để có một hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ trong thực hiện thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin giữ vai trò đầu mối và chủ trì kết nối người dân và doanh nghiệp cùng tham gia chuyển đổi số.