hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tập trung khắc phục những khó khăn, thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG (17/04/2024)
Chiều 15/4, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương liên quan để nghe báo cáo kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh cuộc họp.

Thông tin cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, tổng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện 3 chương trình MTQG hơn 6.748,3 tỷ đồng, ngân sách trung ương hơn 4.820,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.925,9 tỷ đồng. Hiện đã phân bổ hơn 6.005 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới 2.058 tỷ, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.965 tỷ, CTMTQG giảm nghèo bền vững là 1.981 tỷ đồng. Kế hoạch vốn còn lại của kế hoạch trung hạn hơn 718 tỷ đồng sẽ phân bổ trong kế hoạch năm 2025. 

Tính đến ngày 31/1/2024, Quảng Nam đã giải ngân được 1.905,6 tỷ đồng trong tổng số 3.290,5 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình năm 2023, đạt tỷ lệ 58%. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân 1.322,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 67%) và vốn sự nghiệp giải ngân 582,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 44%).

Trong năm 2024, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện 3 chương trình  (gồm kế hoạch năm 2022 và 2023 kéo dài) là 3.589,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.624,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 964,5 tỷ đồng. Đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 161,7 tỷ đồng trong tổng số 3.589,4 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024, đạt tỷ lệ 5%, gồm: vốn đầu tư giải ngân 148,3/1.967,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 8%); vốn sự nghiệp giải ngân 13,4/1.621,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 1%). ​

Về kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, đến nay có 123/193 xã đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 63,73%; phấn đấu quý I/2024 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng tỷ lệ lên 67%. Có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, xã Đại Hiệp đạt chuẩn kiểu mẫu. Phấn đấu quý I/2024, có thêm 5 xã đạt chuẩn nâng cao, đưa tổng số xã NTM nâng cao lên ít nhất 20 xã và có thêm 1 xã NTM kiểu mẫu. Tính đến nay, có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Phú Ninh (2015), Điện Bàn (2015), Duy Xuyên (2020), Tam Kỳ (2020). 

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, kết quả giảm nghèo năm 2023 đều đạt, vượt so mục tiêu/chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh giao. Cụ thể, theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 - 2025, đến cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 24.669 hộ, chiếm 5,57%, giảm 1,06% tương ứng giảm 4.477 hộ nghèo (vượt 1.447 hộ). Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 giảm còn 1,90% (cả nước: 2,78%), giảm 0,08% so với năm 2022. Qua nhiều năm thực hiện các chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, thời gian qua việc phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm so với yêu cầu. Đến giữa năm 2022 trung ương mới phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 và cộng với kế hoạch vốn năm 2023 nên áp lực giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn và thủ tục đầu tư, giải ngân vốn cho các địa phương là rất lớn. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư trong 2 năm 2022 – 2023 là 2.295 tỷ đồng với khoảng 1.684 công trình, dự án đầu tư công; chưa kể các nội dung, công việc và dự án thuộc nguồn sự nghiệp. 

Hơn nữa, nguồn lực ngân sách trung ương giảm nhưng mục tiêu trung ương chưa điều chỉnh giảm. Hầu hết xã chưa đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 - 2025 còn lại đều là xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 triệu đồng/năm, để đạt chuẩn NTM thì phải đạt 48 triệu đồng/người/năm nên rất khó (mỗi năm phải tăng bình quân 9 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bình quân mỗi xã khoảng 40%, nếu đạt chuẩn NTM thì hộ nghèo phải còn 13% (mỗi năm phải giảm bình quân 13,5%). Đặc biệt, các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM thì từ xã khu vực III xuống khu vực I, sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh và chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên...). Trong khi đó, điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn NTM mới ở mức tối thiểu theo quy định.

Tại cuộc họp, các địa phương đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình, nổi bật là: Nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ; thiếu cán bộ, không đáp ứng được khối lượng công việc, nhất là trong công tác thẩm định; giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án...

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện 3 CTMTQG trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng, sự vào cuộc của một số ngành chưa thực sự quyết liệt; tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình đạt thấp; tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi còn phổ biến; nhiều xã không duy trì đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025…

Các ngành, địa phương cần tập trung khắc phục những khó khăn, thực hiện hiệu quả các chương trình; nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản của cấp trên để triển khai tốt các phần việc, tránh tình trạng lúng túng; chủ động trong phân công, điều phối nhân lực thuộc thẩm quyền để thực hiện các chương trình phù hợp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, để nhân dân hiểu rõ được quyền lợi và nghĩa vụ trong thực hiện 3 chương trình, từ đó đồng hành cùng địa phương; tập huấn, hướng dẫn những nội dung liên quan đến 3 chương trình... là những nội dung quan trọng mà Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết quán triệt tại hội nghị.

Các CTMTQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, do đó phải thường xuyên tổ chức giao ban, rà soát tiến độ công việc để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn và vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện các chương trình trên địa bàn, nhất là những tiêu chí, chỉ tiêu đạt thấp; phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành, không trông chờ”, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

THANH TÚ

Lượt xem:  129 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 196 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 130 160
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com