Thông qua Kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của tỉnh Quảng Nam thông qua phát triển sản phẩm của nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, lành nghề và người lao động ở các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 quy định tại Nghị quyết số 38/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; triển khai đảm bảo hiệu quả các nội dung hỗ trợ về: Di dời cơ sở sản xuất; xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường; hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; mở lớp truyền nghề; đóng bảo hiểm y tế cho Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; hỗ trợ tổ chức đón nhận Bằng công nhận và xây dựng cổng chào hoặc biển quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.
Trong đó, hỗ trợ 07 dự án phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ mở lớp truyền nghề: 12 lớp; hỗ trợ các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP.
Tổ chức xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh năm 2024 đảm bảo các tiêu chí quy định. Việc xét công nhận danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được tổ chức định kỳ 01 năm/lần. Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống về Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Phát triển nông thôn) chậm nhất là ngày 01/10 của năm xét công nhận. Hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích đến Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam. Rà soát, kiểm tra, lập danh sách đề nghị thu hồi Bằng công nhận các nghề truyền thồng, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận trước đó không đảm bảo các tiêu chí theo quy định.
Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triễn lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ, kết nối các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP đảm bảo theo quy định.
Phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tính độc đáo làng nghề, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng khu vực nông thôn. Ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển cảnh quan nông thôn gắn với các điểm du lịch, khu du lịch sinh thái, phát huy lợi thế từng địa phương đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường làng nghề; phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề để khuyến khích phát triển các ngành nghề sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Tổ chức hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề được công nhận. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các cơ sở hoạt động trong làng nghề.
Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề, phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mây tre đan, đan lát, dược liệu… tại các địa phương có điều kiện. Khuyến khích và hỗ trợ cơ chế hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề. Hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Xây dựng Kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức Festival nghề truyền thống vùng miền tỉnh Quảng Nam năm 2024. Triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ cho phát triển ngành nghề nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy hoạch cấp tỉnh theo Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ.