Giai đoạn 2021 - 2023, Quảng Nam huy động hơn 12.456 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư hơn 4.373 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,1%, nguồn lực còn lại huy động từ các chương trình, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid 19, kinh tế toàn cầu suy thoái, các địa phương triển khai xây dựng NTM theo chiều sâu, hướng đến nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo các tiêu chí NTM bền vững, giữ gìn văn hoá truyền thống, đưa vùng nông thôn ngày càng phát triển văn minh bền vững.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 123/193 xã đạt chuẩn NTM, tính bình quân theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025, mỗi xã đạt 16,4 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, Quảng Nam có 20 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ đạt 22,2%. Qua 3 năm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Nam đạt 48,2 triệu đồng/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt khoảng 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh chưa sâu sát cơ sở, các ngành chậm hướng dẫn địa phương thực hiện tiêu chí do mình quản lý. Ngoài ra, thiếu cán bộ chuyên trách NTM cấp huyện, xã đã dẫn đến hoạt động kém hiệu quả ở cơ sở, đặc biệt ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn; một vài địa phương đạt chuẩn có biểu hiện chững lại, thiếu tập trung; việc quản lý, sử dụng vốn còn chậm… Điều này dẫn đến khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn giữa các địa phương, chất lượng đạt chuẩn của nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thật sự bền vững.
Tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 03 năm qua và dự đoán về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới, hội nghị tiến hành thảo luận, phân tích những thành tựu, hạn chế và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, Quảng Nam đặt mục tiêu có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn (154/193 xã), 58 xã đạt chuẩn nâng cao (64/193 xã), phấn đấu có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Hội An hoàn thành nhiệm vụ NTM.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các Sở, ngành, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa thiết thực của chương trình NTM, tiếp tục vận động, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân - chủ thể thực sự của quá trình xây dựng NTM. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; tổ chức thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét theo từng nhóm xã, huyện, với quyết tâm chính trị phải hoàn thành hoặc vượt mục tiêu đề ra; duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới, đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Trao công trình phúc lợi cho thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
“Các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch theo từng tiêu chí cụ thể, từ đó có đề ra lộ trình thực hiện các nhóm chỉ tiêu, phải xác định rõ chỉ tiêu quan trọng, là động lực dẫn dắt các chỉ tiêu khác tăng cao, hiệu quả, bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Dịp này, 19 cá nhân, tập thể được trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tốt trong quá trình xây dựng NTM. Ngoài ra, hội nghị trao 8 công trình phúc lợi cho 8 thôn đạt chuẩn NTM trị giá 150 triệu đồng/công trình.