Toàn tỉnh có tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn là 85,1 ha, trong đó diện tích rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 41,0 ha.
Theo ghi nhận, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn; áp dụng các giải pháp cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất giảm lượng giống, vật tư đầu vào nên dù diện tích lúa giảm, nhưng năng suất tăng nên sản lượng lúa vụ Đông xuân vẫn cao hơn so với năm 2022. Trong năm, diện tích chuyển đổi là 941 ha, trong đó vụ Đông Xuân 2022 - 2023 là 298 ha, vụ Hè Thu 2023 là 643 ha. Loại hình chuyển đổi khá đa dạng, đa số diện tích chuyển đổi đều cho lợi nhuận tăng bình quân từ 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất; riêng đối với một số mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa (Thăng Bình, Điện Bàn, Quế Sơn…).
Cùng với đó, thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường. Trong năm, đã tổ chức 15 lớp tập huấn hướng dẫn, thông tin tuyên truyền về cấp, quản lý MSVT. Công tác thông tin, tuyên truyền đã được triển khai kịp thời đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đã cấp 03 MSVT tiêu thụ nội địa cho các địa phương ở thị xã Điện Bàn gồm: 0,32 ha cây ngô (bắp) tại xã Điện Phước, 05 ha lúa ST24 tại xã Điện Trung, 02 ha cây ớt tại xã Điện Phong. Đồng thời tổng hợp, báo cáo đánh giá việc triển khai việc sử dụng MSVT và cơ sở đóng gói đối với các loại rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đối với MSVT phục vụ xuất khẩu, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì 09 MSVT đối với sản phẩm dưa hấu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với Mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; một số địa phương đã lập và triển khai thực hiện Phương án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng.
Liên kết sản xuất trồng trọt ngày càng bền vững nhất là lĩnh vực liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao: Năm 2023, tổng diện tích sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh là 4.361 ha36; việc các HTX liên kết với các Công ty, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Sản xuất rau, củ, quả an toàn ngày càng được quan tâm phát triển: Tổng diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn là 85,1 ha, trong đó diện tích rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 41,0 ha, diện tích rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 44,1ha. Tuy diện tích sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn còn thấp, nhưng hầu hết các sản phẩm đều có đầu ra ổn định, thu nhập của người trồng rau được tăng lên đáng kể.