Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ giúp đa dạng hóa thị trường, đặc biệt tránh bị tiểu thương ép giá. Ảnh: V.L
Kết nối thị trường
Tính đến tháng 9.2022, trang giới thiệu sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ “https://sanpham.quangnam.gov.vn” có gần 500 sản phẩm đăng ký giới thiệu, riêng nhóm ngành hàng thực phẩm, nông sản có khoảng 100 sản phẩm đăng ký như sâm Ngọc Linh, gạo an toàn Ái Nghĩa (Đại Lộc), tiêu đen Tiên Phước, rau xà lách Dream Garden (Núi Thành)… cùng hàng chục sản phẩm nông sản đã qua chế biến với đầy đủ thông tin, chỉ dẫn địa lý. Đây được xem là địa chỉ quảng bá bài bản và có quy mô lớn nhất của tỉnh đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm nói riêng cũng như hàng hóa nông sản nói chung.
Theo Kế hoạch số 7424 của UBND tỉnh, đến năm 2022 sẽ có 50% sản phẩm có phát sinh giao dịch và có 30% sản lượng nông sản được tiêu thụ qua sàn TMĐT. Có 70% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên sàn TMĐT và có tài khoản thanh toán điện tử. Có 30% sản phẩm nông sản và hộ sản xuất nông nghiệp có công cụ truy xuất nguồn gốc trên sàn TMĐT; 70% hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận sản phẩm qua nhiều hình thức.
Bà Huỳnh Thị Sang - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn chất lượng cao Dream Garden (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) chia sẻ, việc đưa sản phẩm lên trang giới thiệu sản phẩm Quảng Nam đã giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm, từ đó thúc đẩy hàng hóa đơn vị tiêu thụ thuận lợi.
“Hiện HTX có nhiều kênh giới thiệu, bán hàng, bao gồm trực tiếp qua các hệ thống chợ, cửa hàng… nhưng chúng tôi vẫn đăng ký quảng bá trên trang giới thiệu sản phẩm của tỉnh, bởi việc tham gia này sẽ giúp khách hàng biết thêm về các quy trình sản xuất cũng như công dụng, chất lượng sản phẩm, yên tâm hơn khi chọn mua” - bà Sang nói.
Tại trang sản phẩm Quảng Nam, HTX tham gia giới thiệu sản phẩm rau xà lách Dream Garden với rất nhiều thông tin cụ thế từ giống, công dụng sản phẩm đến chỉ dẫn địa lý (GIS)… Bình quân mỗi ngày bà Sang tiêu thụ khoảng 70 ký rau quả các loại nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng, thị trường chủ yếu tại Núi Thành, Tam Kỳ và tỉnh Quảng Ngãi.
Việc đưa sản phẩm lên các trang mạng và sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến. Tại sàn TMĐT Posmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, khoảng 50 sản phẩm nông thôn, OCOP Quảng Nam cũng đã được giới thiệu.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, đưa nông sản lên sàn là hướng đi cần thiết, giúp người nông dân không phụ thuộc vào thương lái. Dù vậy việc tham gia sàn giao dịch hiện mới chỉ có nhóm các HTX, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ổn định.
Riêng nhóm nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ rau, củ, quả ngắn ngày hầu như chưa quan tâm, chủ yếu vẫn còn tiêu thụ theo kiểu truyền thống tiểu ngạch thông qua thương lái.
Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp mỗi năm của huyện Đại Lộc hơn 15 nghìn héc ta, tổng sản lượng khoảng 100 nghìn tấn. Một số nông sản có diện tích lớn và sản lượng cao như bắp, đậu phụng, dưa hấu đạt sản lượng gần 7.000 tấn… thị trường tiêu thụ chủ yếu qua thương lái.
Đa dạng thị trường nông sản
Ngày 20.10.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7424 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2022, trong đó có nội dung, phấn đấu đến năm 2022 có 70% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên sàn TMĐT (tập trung vào 4 sàn TMĐT gồm Postmart, Voso, Sendo và sàn quangnamtrade.com.vn.
Cổng thông tin Sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ “sanpham.quangnam.gov.vn“.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn nhìn nhận, đây là bước đi cần thiết giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.
Đến nay, khoảng 60% sản phẩm nông thôn Điện Bàn đã được kết nối với trang giới thiệu sản phẩm Quảng Nam và sàn TMĐT “voso.vn”, tuy vậy để hoàn thành mục tiêu đưa sản phẩm lên sàn không hề đơn giản do những quy định và rào cản về công nghệ đối với một bộ phận nông dân.
Chưa kể bên cạnh sự ổn định nguồn nguyên liệu, sản phẩm đưa lên sàn TMĐT cần đáp ứng các quy trình chuẩn về thu hoạch, sơ chế, đóng gói…, đặc biệt phải có chủ thể đại diện kết nối khách hàng.
“Măc dù việc tiêu thụ nông sản ở Điện Bàn như bắp hoặc ớt lâu nay rất bấp bênh nhưng bây giờ muốn đưa lên sàn cũng không dễ dàng vì thiếu người đại diện, trong khi giá cả thị trường biến động thường xuyên, có khi mỗi ngày 2 - 3 giá, nhất là vào mùa thu hoạch nên không ai dám đứng ra đại diện kết cả” - ông Chơi nói.
Tìm đầu ra cho nông sản không phải vấn đề mới của các địa phương và hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Câu chuyện “được mùa mất giá” hay “giải cứu nông sản”… đã từng xảy ra nên việc đưa nông sản lên sàn TMĐT được xem là hướng đi phù hợp và mang tính chuyên nghiệp.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT không chỉ thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi tới mùa thu hoạch mà còn giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Đặc biệt, thông qua các TMĐT và nền tảng số người nông dân sẽ được cung cấp những thông tin hữu ích về thị trường, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất kể cả thông tin thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ, giống, phân... góp phần hình thành chuỗi các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Do vậy, sở rất hoan nghênh các tập thể, cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, và thực tế thời gian qua rất nhiều chủ thể cũng đã được Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các trang, sàn TMĐT, mang lại hiệu quả rất tích cực.