Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Chương trình hành động với mục đích nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn ngành về triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Chiến lược. Thống nhất triển khai các phong trào thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2021-2030. Cụ thể hóa thành các hoạt động cần thiết, cần ưu tiên thực hiện để triển khai Chiến lược; thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các nhiệm vụ đã và đang được giao thực hiện của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành trong thực hiện các Chiến lược, Kế hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực và theo các giai đoạn.
Mục tiêu hướng tới là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, 2 chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 -3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Chương trình hành động đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động; Rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ và của ngành; Thu hút các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ tác động của thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; Thực hiện tốt công tác thống kê, giám sát, đánh giá; đẩy mạnh thi đua, khen thưởng…
Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn. Xây dựng và kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Xây dựng các đề án, kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số. Tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển khuyến nông điện tử, thương mại nông sản điện tử. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công khai, minh bạch và cung cấp thông tin về các vấn đề của ngành được xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch hàng năm. Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.