Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Về phía điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng đại diện các Sở, ban, ngành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại cuộc họp.
Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão NORU di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.
Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trước diễn biễn phức tạp của bão số 4, các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo; tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão.
Cùng với đó, các tỉnh từ Quảng Bình- Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó có các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế- Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người, tùy theo diễn biến của bão. Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó với tình huống bão đổ bộ vào đất liền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bão số 4 là một cơn bão mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương với cơn bão số 6- Xangsane vào 9/2006, bão số 9-Ketsana vào 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 tại các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cấp 3 tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết: Quảng Nam đã ban hành công điện số 01 đề nghị các ngành, ban, địa phương chủ động các phương án phòng, tránh bão số 4, giảm mức thiệt hại thấp nhất trong tình huống bão đổ bộ vào đất liền. Hiện nay, các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh có mức chứa khoảng 30-50%, các hồ thủy điện 20-30%; có 19 tàu trong vùng nguy hiểm và các tàu này đang được hướng dẫn di chuyển về phía Nam để tránh trú bão; chỉ đạo di dời các lồng bè; các vụ mùa cơ bản đã thu hoạch xong. Đồng thời, tỉnh cũng đã lên phương án di dời người dân và du khách với trên 182 nghìn người trong tình huống bão mạnh, và di dời trên 400 nghìn người trong tình huống bão siêu mạnh đổ bộ vào đất liền. Trước đó 1 tuần, Quảng Nam cũng đã tổ chức cắt tỉa cành cây, gia cố các trạm, trụ ăng ten…; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho các vùng trọng yếu có thể cung ứng trong vòng 1 tháng trong tình huống bị cô lập.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự chủ động nắm tình hình và kịp thời triển khai các phương án phòng, tránh bão số 4 của các địa phương. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, đây là cơn bão siêu mạnh, theo đó các địa phương không được lơ là, chủ quan; các ngành, địa phương bám sát vào công điện của Chính phủ để triển khai công tác phòng, tránh bão hiệu quả. Tham khảo các cơ quan dự báo quốc tế để có những đánh giá, nhận định chính xác, kịp thời. Tạm dừng, hoãn một số cuộc họp để tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống thiên tai. Các địa phương khẩn trương tổ chức khảo sát để lên kế hoạch di dời, sơ tán người dân, đặc biệt ở các vùng xung yếu trước khi bão đổ bộ. Cùng với việc đảm bảo về con người, cơ sở vật chất, các địa phương cần chú trọng bảo đảm về sản xuất nông nghiệp, đê điều, thủy lợi. Các địa phương thành lập Ban chỉ đạo để chủ động sẵn phòng lãnh, chỉ đạo công tác phòng, tránh thiên tai. Sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm, y tế để chủ động với tình huống bão đổ bộ vào đất liền. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền một cách phù hợp, sát tình hình thực tế để người dân kịp thời nắm thông tin về cơn bão, từ đó chủ động có phương án phòng, tránh…