Cựu chiến binh Nguyễn Thành Điệp (thôn 2 - xã Trà Nam) đang thành công với mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp với trồng cây dược liệu.
Năm 2012, sau khi xuất ngũ, Cựu chiến binh Nguyễn Thành Điệp ở thôn 2 xã Trà Nam trở về quê hương bắt tay vào làm kinh tế. Nhận thấy đất rẫy ở địa phương phù hợp với mô hình chăn nuôi, anh Điệp mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện thông qua kênh ủy thác của hội cựu chiến binh xã để đầu tư nuôi bò, dê.
Qua các năm, nhờ nguồn thức ăn dồi dào và điều kiện khí hậu thuận lợi, đàn dê, bò của anh không ngừng phát triển. Đến nay, gia đình anh Điệp đã có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi. Không dừng lại ở đó, anh Điệp còn sử dụng nguồn thu nhập từ việc bán bò, dê để đầu tư vào trồng cây dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh.
“Năm 2021, gia đình bán 7 con bò được gần 90 triệu đồng, số tiền đó tôi dùng để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để từ đó lấy vốn để trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, gia đình cũng trồng thêm cây giỗi và các loại cây gỗ rừng lớn khác để dành khai thác sau này..” - anh Điệp cho biết thêm.
Ông Hồ Văn Thâm – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Nam cho biết: xã Trà Nam hiện có 130 hội viên cựu chiến binh, trong đó có 39 hội viên là hộ nghèo, thời gian qua, bên cạnh làm tốt công tác vận động hội viên cố gắng vươn lên trong làm ăn kinh tế, Hội Cựu chiến binh xã còn tập trung hướng dẫn hội viên những mô hình kinh tế hay bám sát với thế mạnh của địa phương, trong đó có mô hình kinh tế "trồng 2 cây, nuôi 3 con".
“Trồng 2 cây là cây dược liệu và cây sâm Ngọc Linh, nuôi 3 con (con bò, con dê, con heo đen) là chủ trương chung trong phát triển kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp của xã Trà Nam. Trên cơ sở đó, Hội Cựu chiến binh xã đã tập trung giúp hội viên phát triển các mô hình kinh tế theo hướng này…” - ông Thâm nói
Với việc xây dựng những mô hình kinh tế có tính bền vững do gắn liền với thế mạnh của địa phương, nhiều hội viên cựu chiến binh trên xã Trà Nam nói riêng và Nam Trà My nói chung đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Cựu chiến binh Võ Hồng Sơn ở thôn 1, xã Trà Mai vẫn còn miệt mài với công cuộc phát triển mô hình kinh tế vườn – trang trại của gia đình mình. Tận dụng khuôn viên vườn nhà rộng, ông Sơn dành 400m2 đất để trồng hàng chục gốc Bưởi da xanh. Ngoài ra, ông còn đầu tư đào ao nuôi cá, làm chuồng trại chăn nuôi giống heo đen bản địa, và xen canh các luống rau ngắn ngày. Bên cạnh đó, ông Sơn còn đầu tư gieo ươm giống Quế Trà My để trồng ở đất rẫy xa nhà. Hàng năm, tổng thu nhập từ vườn đem lại cho gia đình ông Sơn từ 70 – 80 triệu đồng.
Cựu chiến binh Võ Hồng Sơn chia sẻ, bản thân và vợ đều có lương theo chế độ, các con đã lớn, điều kiện kinh tế gia đình cũng tạm ổn nhưng vẫn đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn - trang trại gia đình.
“Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng còn sức khỏe là tôi cứ làm. Làm kinh tế không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà quan trọng nhất là làm gương cho con cháu, cho bà con có động lực mà làm theo…” ông Sơn nói.
Ông Vũ Văn Trang – Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trà Mai cho biết, trong những năm qua, đồng hành với hội viên cựu chiến binh xã trong vấn đề tập trung làm ăn để thoát nghèo và vươn lên làm giàu không thể không nhắc đến cựu chiến binh Võ Hồng Sơn. Là một trong những hội viên lớn tuổi của hội nhưng bằng bản lĩnh, ý chí cùng khát vọng vươn lên xóa bỏ cái đói, cái nghèo cựu chiến binh Võ Hồng Sơn thật sự là “cây cao bóng cả” để hội viên hội cựu chiến binh trẻ học và làm theo.