Trước đây 10 năm tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam đã có bước phát triển tốt so với các tỉnh, tuy nhiên vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ, chưa thể hiện được vai trò bà đỡ cho kinh tế hộ phát triển, hầu hết hoạt động của Tổ hợp tác, Hợp tác xã quy mô nhỏ, cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp, trình độ cán bộ quản trị điều hành bất cập, nguồn vốn thiếu, đa số Hợp tác xã không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp, thành viên thiếu niềm tin và gắn kết vào sự phát triển hợp tác xã. Từ những nhận định, đánh giá chung của Liên minh HTX Việt Nam, Tỉnh uỷ - HĐND-UBND tỉnh vào dịp sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5- Khoá IX về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu lãnh đạo tỉnh về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam nhằm mục đích góp phần tháo gỡ tồn tại, hạn chế nêu trên, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Mô hình nuôi chồn hương của Tổ hợp tác chăn nuôi Viên Mãn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc.
Ngày 09/12/2011 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND về việc cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam. Ngày 13/01/2012 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 172/QĐ-UBND về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, công khai, minh bạch, không vì mục tiêu lợi nhuận, vì mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời phải bảo toàn và phát triển vốn, chịu sự quản lý, tổ chức điều hành của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, đối tượng được Quỹ cho vay là Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp HTX trên cơ sở dự án có tính khả thi, có tài sản thế chấp đảm bảo, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, là một trong những tỉnh đầu tiên của khu vực miền Trung – Tây nguyên được HĐND, UBND tỉnh quan tâm cho phép xây dựng đề án thành lập Quỹ để hỗ trợ một phần nguồn lực tài chính cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh nhà phát triển sản xuất kinh doanh. Từ một Quỹ vốn Điều lệ ban đầu chỉ có 15 tỷ đồng (mười lăm tỷ đồng) do ngân sách nhà nước cấp kể từ khi đi vào hoạt động và được HĐND tỉnh thống nhất bố trí tối thiểu hằng năm 02 tỷ (hai tỷ đồng) để bổ sung cho Quỹ hoạt động. Từ một đơn vị ban đầu chỉ có 03 cán bộ, trong đó có 01 đảng viên còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ vốn, và cơ quan Quỹ chỉ là bộ phận điều hành nghiệp vụ, và chỉ thực hiện cho vay đầu tư và hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc.
Đến nay vốn điều lệ của Quỹ hơn 100 tỷ đồng, là một trong 5 Quỹ có số vốn điều lệ lớn nhất nước, số vốn tăng lên 6,9 lần so với số vốn ban đầu. Tổng dư nợ cho vay đến nay là hơn 87,8 tỷ đồng.
Từ việc chỉ cho vay đầu tư đến nay Quỹ đã được phép cho các Hợp tác xã vay vốn lưu động để phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Đây là nút mở rất kịp thời để trợ giúp nguồn vốn lưu động cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã có nhu cầu sử dụng nguồn vốn lưu động ngắn hạn để chủ động hơn trong việc sản xuất kinh doanh. Đặt biệt đối với các Hợp tác xã Nông nghiệp chuyên sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh rất cần nguồn vốn lưu động để phục vụ cho đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhằm cung cấp cho thành viên hợp tác xã để giảm bớt áp lực việc vay nóng từ bên ngoài hoặc mua trước ở các đại lý với giá cao để đầu tư sản xuất đầu vụ.
Mô hình trồng Nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Đông trùng Hạ thảo Quảng Nam, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ.
Trong 10 năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Liên minh HTX Việt Nam, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự quản lý, điều hành của Liên minh HTX tỉnh, HĐQL Quỹ, sự giúp đỡ tận tình, quý báu của các Quỹ: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội và bằng sự nổ lực của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động, hoạt động của Quỹ từng bước ổn định, phát triển, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ vốn cho tổ hợp tác, hợp tác xã đạt được một số kết quả đáng khích lệ đó là: Quỹ đã thực hiện hỗ trợ cho vay 400 đơn vị, trong đó có 124 hợp tác xã và 276 tổ hợp tác với tổng số lượt tiền giải ngân là hơn 217 tỷ đồng, huy động được nguồn vốn đầu tư từ tổ hợp tác, hợp tác xã là hơn 815 tỷ đồng.
Với mục đích là ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những dự án ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, do vậy, cơ cấu nguồn vốn cho vay của Quỹ tập trung chính ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 75,73%; Các lĩnh vực còn lại như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Dịch vụ chiếm 24,27%. Hoạt động của Quỹ đã góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ, thu hút lực lượng trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về tham gia làm việc tại Tổ hợp tác, Hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, điều hành từng bước tạo ra lực lượng lao động quản lý hợp tác xã kế thừa, khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp hợp tác xã, số lượng Tổ hợp tác, Hợp tác xã tăng lên (chỉ tính riêng Quỹ Hợp tác xã tỉnh đã tư vấn thành lập mới được 311 Tổ hợp tác và 82 Hợp tác xã trong 10 năm qua), tăng thu nhập đáng kể cho thành viên và người lao động trong các Tổ hợp tác, Hợp tác xã (Từ 2 triệu đồng lên 3-4 triệu đồng/tháng), giải quyết việc làm cho hơn 3.100 lao động, tương đối ổn định, từng bước góp phần tạo được niềm tin của chính quyền, người dân đối với vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, hợp tác xã giúp cho nhiều Tổ hợp tác, Hợp tác xã liên kết, mở rộng, đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững, tạo dựng được thương hiệu, vị trí của mình và có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình OCOP và chương trình phát triển 15.000 Hợp tác xã Nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo Quyết định 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã xuất hiện một số mô hình thành công như: Mô hình trồng Nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Đông trùng Hạ thảo Quảng Nam, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ; Mô hình nuôi chồn hương của Tổ hợp tác chăn nuôi Viên Mãn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc; Mô hình chăn nuôi bò 3B của Tổ hợp tác chăn nuôi Bến Đền, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn; Mô hình chăn nuôi heo gia công của Hợp tác xã Tân Hưng Phát, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc; Hợp tác xã Tân Lộc Phát, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh và nhiều Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã thực hiện tốt việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động và thành viên như Hợp tác xã may mặc An Hà, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ...
Mười năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng có ý nghĩa lớn lao để đánh dấu mốc son trưởng thành đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam. Những kết quả đạt được hôm nay là hết sức quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để Quỹ tiếp bước trong thời gian đến, là động lực to lớn để Quỹ tiếp tục đồng hành cùng Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong giai đoạn mới.