Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay cả nước có 3.434 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thuộc 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 1.673 xã thuộc khu vực 1; 210 xã thuộc khu vực 2; 1.551 xã thuộc khu vực 3.
Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các địa phương đã chủ động tích hợp lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, trong 52 nhiệm vụ được giao, 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Dân tộc hoàn thành 17 nhiệm vụ, 35 nhiệm vụ còn lại đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Kết quả này là nhờ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương
Theo tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 19 tỉnh có chính sách đặc thù, tổng số 55 chính sách. Nội dung chính sách đặc thù của địa phương chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS; lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt; cấp muối i ốt... Những chính sách được các tỉnh ban hành nhằm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc trên địa bàn tỉnh....
Đối với Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân cơ bản ổn định; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, các hoạt động tôn giáo diễn ra đúng pháp luật. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của tưng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên giảm nghèo bền vững. Các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện miền núi đã chủ động trong việc đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời, đồng bộ các chương trình, chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng miền núi đã khơi dậy nguồn lực trong dân, đã tập trung vào việc giải quyết yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống sản xuất của người dân…