Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị những sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm (OCOP)… gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bằng nhiều hình thức để thay đổi hành vi sản xuất thực phẩm không an toàn.
Khảo sát, đánh giá, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Tổ chức học tập kinh nghiệm các tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi để nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế tỉnh ta.
Rà soát, thống kê và đánh giá tình hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP), áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000) trong chế biến nông lâm thủy sản.
Giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chủ lực có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm để kịp thời thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng biết lựa chọn sản phẩm an toàn.
Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được thống kê, thẩm định để xếp loại, định kỳ theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Phấn đấu tăng từ 2-3% các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được UBND cấp xã tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT so với năm 2021.
100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm được xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.