Vang bóng một thời
Chè Đức Phú là cây chè bản địa có từ lâu đời ở vùng đất Tam Kỳ xưa, không chỉ được nhiều thế hệ người sành chè trong nước biết đến mà còn nức tiếng ở các nước phương Tây thời Pháp thuộc.
Theo tư liệu còn ghi lại, vào năm 1884, Maillard (người Pháp) lập đồn điền chè ở Quảng Hạt Phú Thượng, sau đó nhiều đồn điền chè do người Pháp quản lý lần lượt ra đời, trong đó có đồn điền chè Đức Phú thuộc xã Kỳ Trà, huyện Tam Kỳ, nay là xã Tam Sơn, huyện Núi Thành.
Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, đồi chè Đức Phú được chính quyền xã Tam Sơn tiếp nhận. Nhưng do không nắm được kỹ thuật chăm sóc, phát triển cây chè nên từ đó chỉ khai thác lác đác, không còn rộ như thời Pháp thuộc.
Từ khoảng những năm 1955 - 1985, chè Đức Phú được hai thương hiệu chè nổi tiếng thời bấy giờ thu mua là Mai Hạc và Kim Sơn. Những năm tiếp theo, đồi chè dần dần bị bỏ hoang, người dân chỉ xem công việc làm chè là phụ, thay vào đó là cải tạo đất để trồng keo và cao su.
Mãi đến năm 2018, nhờ sự vào cuộc của chính quyền xã Tam Sơn và Hợp tác xã (HTX) chè Đức Phú mà thương hiệu chè “vang bóng một thời” dần được phục hồi, cải tạo.
Sau thời gian ngắn khôi phục, sản phẩm chè Đức Phú ngày càng khẳng định thương hiệu, chất lượng chè được nâng cao nên được thị trường trong nước ưa chuộng. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 1.000 gói chè, mỗi gói có trọng lượng 2 gam.
Phục hồi thương hiệu
Hiện nay, cây chè đang được chính quyền và người dân xã Tam Sơn khôi phục, mở rộng diện tích đất trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định từ khai thác lá chè.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX chè Đức Phú cho biết: “Để mở rộng diện tích trồng chè, giúp người dân nhận thức được việc trồng chè đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, HTX Tam Sơn đã và đang vận động được hơn 30 hộ dân chuyển đổi mục đích đất trồng keo sang trồng chè. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn hỗ trợ miễn phí phân bón, cây giống… và bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất”.
Ông Châu Văn Điểm (63 tuổi, thôn Đức Phú) cho biết, nhận thấy cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2018, gia đình ông đã chuyển đổi hơn 5 sào đất trồng keo sang trồng chè. Giờ đây, cây chè mang lại cho gia đình ông hơn 20 triệu đồng/năm.
“Gia đình tôi đã nhân rộng diện tích trồng chè lên 2,5ha. Trồng cây chè không khó nhưng phải đảm bảo được nguồn nước tưới, phân bón, chọn cây giống ổn định. So với các cây trồng khác như keo, mít, bưởi…, thời gian sinh trưởng của cây chè nhanh hơn, cho thu hoạch ổn định quanh năm, độ rủi ro thiệt hại cũng ít hơn. Gia đình tôi dự định mở rộng thêm 2 sào để trồng chè trong năm 2021 này” - ông Điểm chia sẻ.
Ông Trần Công Hiệu – Chủ tịch UBND xã Tam Sơn cho biết: Ngày 11.1.2020, sản phẩm chè Đức Phú được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Tháng 1.2021, UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao phân hạng đợt 2 năm 2020.
“Chè Đức Phú đang được chế biến bằng máy theo dây chuyền công nghệ diệt men, xay, sấy và đóng gói. Hiện nay, sản phẩm chè đã được người tiêu dùng ở thị trường trong tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận đón nhận. Thời gian tới, chính quyền xã Tam Sơn sẽ xem xét mở rộng và phục hồi thêm 100.000 cây, tương ứng với 5ha đất rừng, nhằm giải quyết việc làm, tăng giá trị sản phẩm và đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường cả nước” – ông Hiệu cho biết thêm.