Áp dụng chuỗi truy xuất nguồn gốc
Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp huyện Nam Trà My cho biết, đến thời điểm này địa phương có 7 xã với 1.200 hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh trên diện tích 1.560ha. Tại vùng sâm gốc Tắk Ngo (xã Trà Linh) đã nghiệm thu được 2 đề tài nghiên cứu về vùng sâm gốc Ngọc Linh. Và đến nay đã có 13 doanh nghiệp đầu tư gần 280ha sâm tại 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang.
Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My hiện là sản phẩm duy nhất trên cả nước áp dụng tương đối bài bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, chống nạn sâm giả.
Trên nền tảng công nghệ Blockchain, cơ sở dữ liệu được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Công nghệ này giúp giảm rủi ro, ngăn chặn gian lận và tạo sự minh bạch, phù hợp để ghi lại những sự kiện, xử lý giao dịch, chứng minh nguồn gốc, giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và khẳng định vị thế của thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua nền tảng công nghệ số là một trong những mục tiêu Chương trình OCOP hướng đến.
Ông Nguyễn Phi Hồng - Chi cục NN&PTNT Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã đầu tư khá lớn vào việc định danh cho sản phẩm OCOP của tỉnh từ việc công bố, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc...
“Giai đoạn 2018 - 2020, chúng tôi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc cho 177 sản phẩm; hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng cho 127 sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 163 sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện đã có 162 sản phẩm OCOP hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu thông thường, đăng ký mã số mã vạch và tiến hành xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử cũng như các hội chợ, triển lãm” - ông Hồng nói.
Đưa sản phẩm lên “sàn”
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam đang tính toán đến việc phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hoạt động số hóa, truy xuất nguồn gốc, chống giả và quảng bá sản phẩm OCOP trên hệ thống Blockchain là Sanocop.vn (Sàn OCOP) và Congocop.vn (Cổng OCOP).
Theo đó, hệ thống Sàn OCOP sẽ giúp thương mại hóa sản phẩm chất lượng OCOP, những thông tin sản phẩm đã được chống giả, số hóa và quản lý bài bản, đồng thời giúp thương mại nội địa và xuất khẩu những sản phẩm OCOP được thực hiện. Cổng OCOP sẽ giúp số hóa và bảo vệ sản phẩm OCOP, được xây dựng dựa theo những quy định và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc Việt Nam, có khả năng kết nối vào Cổng thông tin quốc gia thuận lợi khi có yêu cầu. Hai hệ thống này sẽ giúp minh bạch hóa, chống giả cho hàng hóa, tạo dựng lòng tin và củng cố thương hiệu sản phẩm, thương hiệu OCOP.
Có khá nhiều sản phẩm thương hiệu của Quảng Nam đã được định danh. Một trong số những lý do để tạo niềm tin ở người tiêu dùng là người sản xuất đã ý thức và tiến đến sử dụng hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời nâng giá trị thương hiệu sản phẩm của mình. Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Toàn cầu (Global Farm Co.) cho biết, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR là xu hướng và nhu cầu tất yếu.
“Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng, mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch. Người tiêu dùng bây giờ đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và thông tin của sản phẩm, do vậy, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, tem OCOP là điều rất nên làm” - ông Tường nói.
Trong năm 2021, Quảng Nam có 110 sản phẩm tham gia OCOP. Sau khi thông qua việc đánh giá xếp hạng sản phẩm, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP sẽ tiến hành hỗ trợ các sản phẩm này gắn tem OCOP cũng như xúc tiến thương mại thông qua các sàn điện tử.
Cùng với đó, các sở ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP phổ biến hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở cho các đơn vị sản xuất OCOP sử dụng mã số, mã vạch. Theo đó, Sở NN&PTNT sẽ từng bước xây dựng kế hoạch và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện phổ biến tem truy xuất các loại cấp phát cho các sản phẩm, cơ sở đủ điều kiện...
Tiến đến “số hóa” các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng thị trường và khẳng định vị thế của sản phẩm thương hiệu Quảng Nam là điều đang dần hiện hữu...