Nhiều khó khăn, vướng mắc
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, sản xuất lúa còn thiếu bền vững, lại chịu thêm nhiều tác động xấu từ biến đổi khí hậu, thiên tai. Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, áp dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ. Trong khi đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân còn chưa mạch lạc, nhiều hạn chế.
Có thể thấy, số lượng doanh nghiệp tham gia các hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản còn ít, quy mô nhỏ do năng lực chưa cao. Đáng ngại hơn, cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản đã thiếu lại yếu.
Về rau quả, sản phẩm mang nặng tính chất mùa vụ, tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi, chế biến sâu hạn chế. Bởi vậy, trong khoảng không gian và thời gian nhất định, với lượng rau quả lớn, rất khó tiêu thụ nhanh, xuất khẩu chưa đạt như kỳ vọng. Sở NN&PTNT cho rằng, với nhiều đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của Quảng Nam đối diện với rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc sản xuất nông sản gặp nhiều khó khăn, cần giải quyết để có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19.
Cụ thể, các gói hỗ trợ tài chính cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được. Thứ hai là áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khi chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao.
Cùng với đó là hệ thống logistics, kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu khi xuất khẩu gặp không ít rào cản. Cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ còn lỏng lẻo.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá việc tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế rất gian nan. Cụ thể, dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường khó tính.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, cần các bộ ngành chung tay hỗ trợ giải quyết. Hiện tại, trong tổ chức xuất khẩu, doanh nghiệp gặp phải vấn đề về chi phí khi logistics chiếm đến 15 - 20% tổng chi phí kinh doanh.
Đồng bộ giải pháp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương vừa tập trung sản xuất vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thành lập các tổ liên bộ, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản.
“Chúng tôi liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin về nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các đại sứ quán, qua đó trợ giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản thuận lợi. Bộ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo lối mở cho tiêu thụ nông sản trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói.
Ông Phan Văn Chinh cho rằng, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính của các loại nông sản Việt Nam nên để giảm áp lực lưu thông hàng hóa cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh quy trình sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa thúc đẩy rộng mở thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới, nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Bí đao rớt giá, nông hộ gặp khó
Hôm qua 16.5, có mặt tại “vựa” bí đao Duy Phước (Duy Xuyên), chúng tôi nghe nhiều nông dân than phiền về chuyện đầu ra của loại nông sản này. Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, những năm qua người dân trên địa bàn xã đã hình thành nhiều vùng chuyên canh bí đao để phục vụ thị trường xuất khẩu.
Hiện nay tại Duy Phước có khoảng 200 - 250 sào đất chuyên trồng bí đao vụ đông xuân, trong đó trọng điểm là 2 thôn Triều Châu và Mỹ Phước, năng suất bình quân 1 sào đạt khoảng 2 - 2,2 tấn quả. Tuy nhiên, 2 năm gần đây do đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó khăn khiến giá bí đao trên thị trường quá thấp.
“Năm 2019 trở về trước, hễ nông dân Duy Phước vào kỳ thu hoạch bí đao là tư thương ở khắp nơi đưa xe tải đến tận ruộng thu mua quả chở đi tiêu thụ với mức giá 7.000 - 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, 2 mùa gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu bức bí, chủ yếu là tiêu thụ nội địa nên tư thương thu mua bí đao cầm chừng với mức giá giảm 70 – 80% so với trước đây. Hiện tư thương chỉ mua bí đao của người dân với giá 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, do sản lượng thu mua không lớn nên nhiều hộ phải để bí trên giàn chờ tư thương” - ông Lê Đào nói.
Đông xuân năm nay nông dân Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh… sản xuất khoảng 350 – 400ha bí đao chuyên canh. Mặc dù năng suất đạt cao nhưng giá thu mua sản phẩm quá thấp khiến hàng nghìn hộ dân gặp khó khăn vì mất nguồn thu nhập lớn.