Từ vài con giống thành trang trại chăn nuôi
Trò chuyện cùng phóng viên Etime, chị Bling Thị Vấp cho biết, với sở trường chăn nuôi từ khi ở với bố mẹ, sau khi lấy chồng, chị làm đủ nghề chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ nhưng hiệu quả không cao, không mang lại thu nhập cho gia đình. Sẵn có diện tích đất vườn bố mẹ để lại hơn 5ha, năm 2012, chị bàn với chồng quyết định vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Giang, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt xiêm.
Ý tưởng khởi nghiệp của chị đã nhận được sự ủng hộ, động viên nhiệt tình từ phía gia đình, người thân. Tuy nhiên, thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện, do kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế nên chị đã gặp không ít khó khăn, thất bại.
"Thời gian đầu khởi nghiệp, do chưa qua một lớp học nào về chăn nuôi mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ gia đình, người thân, nên đàn vịt của tôi bị bệnh, chết khá nhiều, có lúc lên đến 50%...", chị Vấp chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, chị Vấp đã không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức ngay từ khâu chọn giống đến chăm sóc, nguồn thức ăn cho vịt cũng được chị đặc biệt chú trọng. Chăn nuôi sạch sẽ, an toàn, nói không với cám công nghiệp là tiêu chí của chị trong quá trình phát triển trang trại.
Chị Vấp cho biết thêm, để chủ động cho nguồn thức ăn, chị đã mở rộng diện tích trồng lúa, trồng bắp lấy đó làm thức ăn chính, kết hợp với sắn, cá….
Bên cạnh đó, chị Vấp còn tự đan ổ ấp trứng, mỗi tháng đàn vịt giống chị đẻ từ 350-400 quả trứng, chị sắp xếp cho vào ổ vịt mẹ ấp, sau khi vịt con nở, chị đem bán ra thị trường.
Hiện nay, số lượng đàn vịt phát triển nhanh chóng, từ vài con giống đến nay trang trại chăn nuôi vịt của chị Vấp có hơn 2.000 con. Mỗi tháng chị xuất bán từ hơn 200 con vịt thương phẩm và hàng trăm con vịt giống, tiêu thụ trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận khác.
Để mô hình chăn nuôi vịt đạt hiệu quả cao, chi Vấp tiếp tục dồn điền đổi thửa, chuyển đất ruộng sang đào ao, thả cá. Với hơn 0.5ha diện tích mặt nước này, chị Vấp vừa dùng làm nơi nuôi vịt, vừa để nuôi các loại cá trắm, mè, trê….
Việc tận dụng ao hồ giúp chị có thêm nguồn thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị cũng tranh thủ nuôi thêm gà, hiện nay đàn gà lên đến hơn 200 con, mỗi năm thu nhập từ gà cũng gần 30 triệu đồng.
Thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm
Sau hơn 8 năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, thử thách, thế nhưng bằng sự cần cù, sáng tạo và nhiệt huyết, chị Vấp trở thành tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương.
Với mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Vấp hơn 200 triệu đồng, nhờ đó mà chị vươn lên thành hộ khá giả.
Chị Chị Bling Thị Oóch - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ATiêng cho biết, Chị Bling Thi Vấp là hội viên phụ nữ xã, không chỉ năng nổ, nhiệt tình với phong trào Hội mà còn là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu ở địa phương với mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp đã giúp chị từng bước cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời trở thành nơi tham quan, học tập của nhiều chị em khác trên địa bàn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang có hỗ trợ 10 triệu đồng giúp chị khởi nghiệp, đó cũng là sự động viên, đồng hành cùng chị tháo gỡ mọi khó khăn, giúp chị yên tâm tiếp tục phát triển sản xuất.
"Những năm qua, mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi vịt của chị Bling Thị Vấp đã thật sự lan tỏa, "kích thích" phong trào chị em phụ nữ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, làm thay đổi nhận thức trọng nam khinh nữ, thời gian tới Hội khuyến khích hội viên phụ nữ làm kinh tế để nâng cao thu nhập…", chị Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang nói.
Chăn nuôi vịt xiêm tuy không còn là mô hình mới, thế nhưng hiệu quả mang lại là điều không ai có thể phủ nhận được, kết quả mà chị Bling Thị Vấp có được hôm nay chính là minh chứng cho điều đó. Với những gì đạt được, chị Vấp xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần khởi nghiệp cho các hội viên hội phụ nữ khác trên địa bàn noi theo.