Các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý nội dung các đề án.
Dự thảo Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,47 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; 4.000 hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất theo giai đoạn; 95% tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 80,64% đường giao thông nông thôn được cứng hóa...
Cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025 đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ như: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cho chủ vườn, chủ trang trại; tham quan, học tập kinh nghiệm về KTV, KTTT; Hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản từ vườn, trang trại); Đăng ký nhãn hiệu sản nông sản từ vườn, trang trại; Hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây lâu năm; Hỗ trợ lãi suất tiền vay; Hỗ trợ hệ thống thủy lợi, tưới...Trong đó, hỗ trợ vốn vay đối với vườn trồng cây hàng năm tối đa 300 triệu đồng/vườn; vườn trồng cây lâu năm tối đa 500 triệu đồng/năm; đối với trang trại tối đa 1 tỷ đồng/trại.
Đối với Đề án Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu cụ thể đề án là Thành lập mới khoảng từ 300 - 500 THT, 180 - 200 HTX, 05 Liên hiệp HTX. Các THT, HTX thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 4% - 5%/năm, THT tăng khoảng 2% - 3%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3% - 6%/năm. 100% HTX trên địa bàn các xã đạt chuẩn nông thôn mới hoạt động hiệu quả, đảm bảo tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; có ít nhất 50 HTX tham gia chương trình OCOP...Đề án đề xuất một số chính sách hỗ trợ về tín dụng, thu hút nguồn nhân lực, đào tạo, đầu tư CSHT, ứng dụng CNTT, hỗ trợ HTX thanh niên khởi nghiệp...
Thảo luận nội dung các Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: Các đề án trong giai đoạn 2021-2026 cần được xây dựng trong bối cảnh phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới, thích ứng với biển đổi khí hậu. Đây đều là các chủ trương lớn mang tính giai đoạn vì vậy, các sở, ngành cần có sự biên soạn, thảo luận kỹ lưỡng, cần phải có quan điểm, hệ thống giải pháp và cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Đối với chính sách hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu phải có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc đối tượng, không hỗ trợ tràn làn; đảm bảo các chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn, làm bệ đỡ để các đối tượng phát triển.