Nhìn nhận từ thực tế
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ năm 2018 đến nay Quảng Nam huy động hơn 281 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều phần việc, 3 năm qua toàn tỉnh có 210 sản phẩm các loại thuộc nhiều nhóm ngành hàng của 189 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 186 sản phẩm 3 sao.
Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, trong 2 năm 2018 – 2019 địa phương có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Năm 2020 huyện có thêm 11 sản phẩm tham gia xếp hạng sao cấp tỉnh và đợt 1 vừa qua đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 9 sản phẩm còn lại đang chờ quyết định công nhận đợt 2.
Theo ông Anh, một sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững phải gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, quá trình phát triển các sản phẩm OCOP, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp các ngành, địa phương lồng ghép nhiều chương trình, dự án xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ Chương trình OCOP một cách bền vững.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, giai đoạn 2018 – 2020 địa phương có 8 sản phẩm được tỉnh công nhận từ 3 - 4 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm là đèn lồng Hội An của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam được tỉnh đề nghị Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Tuy nhiên, ông Hùng nhìn nhận, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng sản phẩm tham gia còn quá ít, nhất là sản phẩm dịch vụ; chất lượng các sản phẩm chưa cao – đạt sao nhưng ở điểm thấp; nhiều chủ đầu tư chưa mạnh dạn chủ động sáng tạo, cải tiến sản phẩm, sản xuất quy mô nhỏ; nhóm sản phẩm tinh dầu, mỹ phẩm gặp trở ngại lớn về xây dựng điều kiện sản xuất an toàn, chỉ có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới có thể thực hiện đảm bảo chỉ tiêu này.
“Năm 2020, dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của địa phương, ngành du lịch vốn là mũi nhọn của thành phố hầu như bị tê liệt. Nhiều sản phẩm phục vụ du lịch bị ngừng trệ sản xuất và tiêu thụ, vì vậy việc đầu tư, hoàn thiện sản phẩm đã đăng ký chậm, nhiều sản phẩm không thể tham gia trong năm theo kế hoạch, phải chuyển sang năm sau” – ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhìn nhận, bên cạnh thành tựu đạt được, việc triển khai chương trình OCOP còn những mặt tồn tại, khó khăn. Các chủ thể là hộ cá thể có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực quản trị, tư duy thị trường còn nhiều hạn chế, thiếu hoặc không có bộ phận quảng bá, tiếp thị, marketing chuyên nghiệp. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận hạng 3 sao thì chủ thể thiếu đầu tư nâng cấp. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chưa đi vào chiều sâu nên người tiêu dùng chưa biết nhiều đến sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP. Cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP chưa đủ mạnh để khuyến khích, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm...
Đồng bộ các giải pháp
Ông Nguyễn Hùng Anh, giai đoạn 2021 - 2025, Tiên Phước ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế, quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, hỗ trợ các hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất - kinh doanh ở 5 nhóm sản phẩm OCOP có lợi thế gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, hàng lưu niệm nội thất - trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn.
“Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện có hiệu quả dự án trọng điểm thuộc Chương trình OCOP cấp tỉnh và Trung ương là xây dựng mô hình điểm về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh...” – ông Anh nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, Chương trình OCOP phải được cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế của mỗi địa phương hàng năm, trong đó chú trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Nếu là nhiệm vụ trọng tâm thì phải tập trung dành kinh phí sự nghiệp kinh tế nhất định cho chương trình này.
Theo ông Hùng, để có sản phẩm OCOP thì cũng mạnh dạn đầu tư cho sản phẩm tiền OCOP. Thực tế cho thấy, rất nhiều sản phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau được nhân dân đầu tư rất tốt (mà sản phẩm đăng ký Chương trình OCOP chỉ là số lẻ) nhưng không đủ điều kiện tham gia. Vì vậy, tỉnh nên có cơ chế phù hợp cho các sản phẩm này tham gia một số hoạt động trong chu trình OCOP như hỗ trợ kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, xúc tiến thương mại…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các ngành, các cấp thời gian tới tập trung kiện toàn hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở và củng cố hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời giúp đỡ những chủ thể có sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018 – 2020 nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chính quyền cấp huyện cần mở thêm nhiều điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP ở trong và ngoài địa phương để người tiêu dùng tiếp cận. Đặc biệt, Sở Công Thương phải là đơn vị chủ công trong vấn đề hỗ trợ phát triển thương mại điện tử...