hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới (14/12/2020)
Xuất phát điểm thấp, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh thường xuyên xảy ra... Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, qua đó làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Bộ mặt nông thôn mới thay đổi rõ nét sau 10 năm xây dựng NTM.

Năm 2010, bước vào thực hiện xây dựng NTM, Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Đặc điểm địa hình phức tạp, là tỉnh có vùng nông thôn rộng lớn, có 09 huyện (50%) miền núi (trong đó, có 06 huyện miền núi cao là huyện nghèo). Xuất phát điểm xây dựng NTM còn thấp, thời điểm cuối năm 2010 có 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 2,61 tiêu chí/xã; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Chương trình xây dựng NTM với cách tiếp cận mới, lần đầu tiên triển khai đồng loạt trên phạm vi tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực ở nông thôn, khối lượng công việc về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị rất lớn, đa dạng, phức tạp,...; trong thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, bổ sung, từ công tác chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách, tuyên truyền vận động…

Trung tâm huyện miền núi Đông Giang với diện dạo khởi sắc.

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nước sạch,... ở nhiều xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là khu vực miền núi. Vệ sinh môi trường một số khu vực nông thôn chưa được quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều nơi chưa đủ mạnh; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã còn thấp, nhất là vùng núi cao. Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả còn hạn chế; kinh tế nông hộ với quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là rào cản của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh hội nhập, thiếu liên kết bền vững với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, qua đó làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí/xã; có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58%; năm 2015 huyện Phú Ninh được công nhận đạt chuẩn huyện TNM và thị xã Điện Bàn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 155 thôn được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Người dân đã biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình NTM, sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người dân ngày càng tăng. Đến nay người dân cơ bản đã nhận thức đúng được ý nghĩa, bản chất, mục đích của Chương trình, xác định được vai trò chủ thể của mình, chủ động tự giác thực hiện, từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và hài lòng với kết quả thực hiện Chương trình NTM.

Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách căn bản, kết cấu hạ tầng, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Đã có một số hạ tầng được nâng cấp và hoạt động theo hướng hiện đại, văn minh, có xu thế gắn kết với phát triển đô thị văn minh, nhất là ở những xã có lộ trình lên đô thị. Nổi bật nhất cơ sở hạ tầng là hạ tầng giao thông nông thôn. Trong 10 năm, tăng rất nhanh cả về số lượng và chất lượng. Bằng nhiều nguồn vốn, trong 10 năm qua với kinh phí huy động trên 3,4 nghìn tỷ đồng, tổng km đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa 5.396,7km/6.540 km, đạt tỷ lệ 82,5% và bê tông hóa trên 610 km giao thông nội đồng. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Bên cạnh việc nhân dân đóng góp bằng tiền, bằng ngày công, rất nhiều hộ dân đã hiến đất, cây cối, tường rào cổng ngõ để xây dựng đường GTNT. Nhiều tuyến đường ở huyện, xã được đầu tư mở rộng, khang trang không thua kém các đường lớn ở đô thị, nhiều tuyến đường 2 chiều đã được hình thành (như ở Điện Bàn, Duy Xuyên...). Nhìn chung, hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho nhiều vùng quê nông thôn.

Kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40,5 triệu đồng (tăng 30,3 triệu đồng so với năm 2010 và tăng 19,39 triệu đồng so với năm 2015); Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 5,3% (giảm hơn 18,9% so với năm 2010 và giảm hơn 4,73% so với năm 2015). Có những địa phương có nhiều đột phá, nhất là các địa phương phía Bắc của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất đã chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển; đã có sự quan tâm cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, tích cực. Môi trường sống ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, nhất là ở những thôn có triển khai Khu dân cư NTM kiểu mẫu, tiêu chí thôn NTM.

Hệ thống chính trị được củng cố, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả ngày càng cao; bộ máy giúp việc cho BCĐ các cấp từng bước được tinh gọn, hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã ngày càng được nâng cao cả về nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, nhất là ý thức, trách nhiệm. Năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu, vận hành Chương trình đã có tiến bộ rõ rệt so với giai đoạn 2011-2015, qua đó đã khẳng định bộ máy này hoạt động hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn lực thực hiện Chương trình NTM được quan tâm, nhất là nguồn lực xã hội hóa được huy động lớn, đã tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn đối với khu vực nông thôn. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đã có giải pháp xử lý phù hợp

Có thể khẳng định Chương trình NTM đã đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn. Những kết đạt quả trên sẽ là tiền đề, tạo đà cho quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH quê hương. Trong giai đoạn tới, Quảng Nam tiếp tục  tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình MTQG xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 có 09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.

TH

Lượt xem:  1,312 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com