Mô hình CSA thuộc hợp phần 3 - Dự án thành phần cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Nam (WB7) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành thực hiện tại 6 xã: Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Hòa và Tam Tiến.
Trong 2 năm (2019 - 2020), Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác lúa trên diện tích 430ha; luân canh cây màu trên đất lúa với diện tích 5ha cây đậu phụng. Tiếp đó, mô hình được nhân rộng đại trà năm 2019 - 2020 trên diện tích 2.421ha, trong đó diện tích đất lúa 1.847ha và đất màu 574ha.
Ông Hà Văn Tâm - chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Mô hình được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân. Dự án hỗ trợ kỹ thuật và 100% giống lúa, màu, công cụ gieo hạt; người tham gia mô hình đối ứng vật tư, công lao động và hưởng toàn bộ sản phẩm. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật áp dụng mô hình CSA như cách cày phơi ải đất, phương pháp sạ, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp IPM, tưới nước ướt khô xen kẽ...”.
Qua thực tế cho thấy, mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác cây lúa tại 6 xã ở Núi Thành mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.
Cụ thể, với phương pháp sạ hàng, sử dụng hạt giống chất lượng và lượng giống trong mô hình là 70kg/ha, giảm 30kg/ha so với lúa ngoài mô hình; cây lúa phát triển khỏe. Cạnh đó, thông qua phương pháp IPM, sâu bệnh ít phát sinh, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2,5 lần; lượng phân urê bón giảm 39,5kg/ha, số lần tưới nước giảm 2 lần so với lúa ngoài mô hình. Trong khi đó, năng suất bình quân cây lúa trong mô hình CSA cao hơn ruộng sản xuất ngoài đại trà 4,4 tạ/ha.
Mặt khác, mô hình có tính thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu do sử dụng các loại giống mới chất lượng, ít nhiễm sâu bệnh, đồng thời áp dụng phương pháp IPM, ICM và chế độ tưới nước ướt khô xen kẽ. Nhờ đó, cây trồng sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết bất thuận như ít ngã đổ, chịu lạnh, chịu hạn và sâu bệnh ít gây hại, cho năng suất và thu nhập ổn định.
Từ những kết quả đạt được, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đã tập huấn thực hành CSA nhân rộng đại trà trong 2 năm (2019 - 2020) với 44 lớp tại các xã.
Kỹ sư Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho hay: “Mô hình canh tác lúa CSA sát với nhu cầu của nông dân; các hoạt động CSA được triển khai đúng nội dung đem lại hiệu quả về kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị nông dân mạnh dạn duy trì và ứng dụng mô hình CSA vào sản xuất những vụ tiếp theo, đồng thời vận động nông dân khác cùng thực hiện. Trong mô hình, nông dân cần đầu tư phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục để bón cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia ứng dụng các hoạt động canh tác lúa CSA để mô hình được lan tỏa mạnh hơn thời gian đến”.