hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tập trung giải ngân vốn nông thôn mới (12/11/2020)
Thời gian của năm 2020 không còn nhiều, UBND tỉnh đề nghị các địa phương tập trung mọi giải pháp, khẩn trương giải ngân các nguồn vốn trong chương trình nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch được giao.
 

Các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải ngân hết nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đã giao trong kế hoạch năm 2020. Ảnh: S.A

Các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải ngân hết nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đã giao trong kế hoạch năm 2020. Ảnh: S.A

Nhiều khó khăn

Báo cáo tại cuộc họp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM 3 tháng cuối năm 2020, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, đến hết tháng 9.2020 Quảng Nam có 104/200 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 52%).

Toàn tỉnh hiện có xã Đại Hiệp (Đại Lộc) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 118 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã phân bổ gần 956 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM. Đến ngày 10.10, các địa phương mới thực hiện giải ngân hơn 453,5 tỷ đồng (đạt 47,4%).

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 116 xã (đạt tỷ lệ 58%); đạt bình quân 16 tiêu chí/xã; ít nhất 20 thôn đạt chuẩn thôn NTM; thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; ít nhất có 133 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu... Đặc biệt, phấn đấu có thêm huyện Duy Xuyên đạt chuẩn huyện NTM và TP.Hội An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo ông Ngô Tấn, việc triển khai thực hiện chương trình NTM năm 2020 gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, từ tháng 4 - 6.2020, các xã tập trung cho Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành. Một số địa phương không thể hoàn thành hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM trước ngày 30.6 theo chỉ đạo của UBND tỉnh... Trong 9 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020 có trường hợp đặc biệt nhất là xã A Tiêng (Tây Giang), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đợt 2 nên tỉnh chưa thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn. Trong quá trình chờ thẩm định, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (tháng 9.2020) nên nhiều hạ tầng kinh tế - xã hội của xã bị hư hỏng, nhất là giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư…

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, một số nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch năm 2020 của huyện sẽ khó đạt được do địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ; đặc biệt là tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng, giải ngân vốn NTM; kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn xã NTM A Tiêng… Đến nay, dù có nhiều nỗ lực nhưng huyện Tây Giang mới chỉ giải ngân được hơn 22 tỷ đồng, bằng khoảng 38% kế hoạch năm 2020.

Nỗ lực hoàn thành

Đến hết tháng 9.2020, toàn tỉnh có 41/200 xã có tỷ lệ giải ngân ngân sách Trung ương cho chương trình NTM dưới 60%, chưa đảm bảo theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong khi đó, nợ xây dựng cơ bản ở cấp xã còn nhiều, việc trả nợ chủ yếu trông chờ vào khai thác quỹ đất, tuy nhiên việc khai thác quỹ đất còn nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp. Mặc dù khối lượng thực hiện nhiệm vụ chương trình NTM của năm 2020 còn khá lớn nhưng nhiều địa phương khẳng định sẽ nỗ lực để hoàn thành, nhất là về giải ngân vốn NTM.

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt giải ngân nguồn vốn NTM. Qua báo cáo, đến nay Duy Xuyên đã đạt hơn 80%, huyện phấn đấu giải ngân 100% vốn trước ngày 31.11.2020. Ngoài ra, huyện phấn đấu đến cuối năm nay, 3 xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy Hòa sẽ hoàn chỉnh các tiêu chí xã NTM nâng cao; 8 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu; 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên…

“Không chỉ phấn đấu để đạt các tiêu chí, mà quan điểm của huyện là phải làm sao nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao đời sống nhân dân. Muốn vậy, huyện cần triển khai chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Mục tiêu cơ bản xã hay huyện đạt chuẩn NTM thì đời sống người dân phải cao hơn những nơi chưa đạt” - ông Cảnh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, khối lượng công việc đến cuối năm còn khá nhiều, vì vậy lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương phải chung tay thực hiện, nhất là khâu hoàn chỉnh hồ sơ, giải ngân vốn NTM… UBND cấp huyện tập trung rà soát nhiệm vụ các tháng còn lại trong năm 2020 và thời gian đến của địa phương mình để có giải pháp phù hợp. Chú ý tiến độ thực hiện tiêu chí NTM ở các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2020; mục tiêu khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn NTM và đặc biệt là công tác giải ngân các nguồn vốn giao năm 2020. Các địa phương, sở ban ngành chủ động xử lý những tồn tại, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để hoàn thành mục tiêu đề ra, không để chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025.

“Trong 5 năm đến, Quảng Nam cần xây dựng NTM bài bản, có sự chuyển biến rõ nét hơn. Vì thế, ngay từ bây giờ phải nghiên cứu đưa ra kế hoạch sớm, không chỉ ở cấp tỉnh mà cả sở ban ngành, địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực của Trung ương, của tỉnh khó khăn thì phải tìm được giải pháp hiệu quả để phát huy nội lực trong nhân dân…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  524 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 144 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70 110 140
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com