Từ nhà sinh hoạt truyền thống (nhà làng) đầu tiên được phục dựng vào giữa tháng 9 vừa qua tại Lâng Loan (thôn 3, xã Trà Cang), huyện Nam Trà My tiếp tục khuyến khích đồng bào địa phương nghiên cứu, phục hồi nhà làng nguyên bản. Qua đó vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, mở hướng hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Ông Võ Hồng Siêu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, trước thực trạng nhà làng truyền thống của đồng bào Xê Đăng tại địa phương dần mai một, chính quyền xã vận động người dân nỗ lực phục hồi, nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc. Bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo diện chính sách đặc thù và xã hội hóa từ Quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững (dự án nhà chống lũ), chính quyền địa phương đã huy động nhân lực triển khai phục dựng thành công nhà làng truyền thống đồng bào Xê Đăng tại Lâng Loan.
Kiến trúc nhà làng này được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, với những vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương. Ngoài cột chính được làm bằng gỗ nguyên khối, các kết cấu phên, vách đều được đan bằng tre, nứa; mái lợp lá tranh, tạo nên không gian ấm cúng vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. “Là nhà làng đầu tiên được phục dựng, chúng tôi rất quan tâm đến kết cấu, cũng như kiến trúc truyền thống. Bởi đây là mô hình nhà làng điểm của huyện, với sự thành công ban đầu. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng nhằm khôi phục dần văn hóa nhà làng truyền thống của đồng bào Xê Đăng tại địa phương” - ông Siêu chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT và TT-TH huyện Nam Trà My, không chỉ đáp ứng nhu cầu về bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống, nhà làng cộng đồng Xê Đăng vừa được phục dựng đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, phục vụ các lễ hội truyền thống của đồng bào địa phương. Đây được xem là “nhà chung” cộng đồng mang vẻ đẹp rất riêng, được phục dựng gần như nguyên bản theo kiến trúc cổ của người Xê Đăng xưa vốn đã thất truyền. “Với đồng bào Xê Đăng, nhà làng truyền thống luôn được dựng ở vị trí cao ráo, trung tâm của làng, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng. Vì thế, toàn bộ lễ nghi truyền thống, các lễ hội văn hóa đặc sắc đều được thực hiện tại nhà làng này, vừa tạo sự gắn kết bền chặt giữa cộng đồng dân cư, vừa bảo lưu được các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông” - ông Thọ nói.
Từ việc phục hồi các nhà làng truyền thống của đồng bào địa phương, Nam Trà My kỳ vọng sẽ hình thành các loại sản phẩm đặc trưng, hướng đến việc “tái khởi động” ngành du lịch sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.