Theo Điều 3 của Luật Du lịch năm 2017, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Như vậy, các hoạt động du lịch cộng đồng do cư dân nông thôn thực hiện là chính và gắn với canh tác, sản xuất; nghĩa là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp - nông thôn. Trong bức tranh mới của ngành du lịch thời gian gần đây, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp - nông thôn ở nước ta dần chiếm một chỗ đứng quan trọng.
Lối mở cho du lịch
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng. Hầu hết điểm du lịch đều ở khu vực nông thôn, kể cả các điểm du lịch thuộc TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn cũng nằm ở vùng thôn quê. Thống kê cho thấy, năm 2019 lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh chiếm khoảng 25% trong tổng số hơn 7,9 triệu lượt khách tới Quảng Nam.
PGS-TS.Bùi Quang Bình – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đánh giá, nhìn chung du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp - nông thôn ở Quảng Nam thời gian qua phát triển rất nhanh và có thể coi là một trong những địa phương điển hình cho việc phát triển loại hình này ở nước ta.
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 36,6 triệu đồng (tăng 5,02 triệu đồng so với năm 2018). Đến cuối năm ngoái, trong tổng số 200 xã tham gia xây dựng mô hình NTM (không kể 4 xã đã sáp nhập và lên thị trấn) thì mới có 121 xã đạt tiêu chí về thu nhập, chiếm tỷ lệ 60,5%.
Với mức doanh thu đạt gần 50 tỷ đồng của các điểm du lịch cộng đồng trong năm 2019 thì đó chính là một khoản thu nhập tăng thêm đáng kể cho cư dân ở khu vực nông thôn. Khi chưa có sự xuất hiện của dịch Covid-19 thì có năm tỷ lệ tăng trưởng doanh thu du lịch lên đến 217%, vì vậy đây là dư địa cần tập trung khai thác để cải thiện kinh tế, chất lượng sống cho người nông dân.
PGS-TS.Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, sự phát triển của những điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu ở Quảng Nam luôn gắn liền với việc phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, cảnh quan sinh thái nông nghiệp và nghề truyền thống ở vùng nông thôn, tạo thêm sinh kế mới và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
“Điều đó cũng đồng nghĩa với việc du lịch cộng đồng đã thực sự được coi trọng như một phương thức phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, sinh thái, nông nghiệp tại địa phương” - ông Phạm Trung Lương nói.
Không nên làm theo phong trào
Có thể nói, ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng của Quảng Nam trong thời gian qua có bước tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển loại hình này tại địa phương vẫn cần sự thận trọng, tránh dàn trải, nhất là làm theo phong trào. Theo khảo sát mới đây của HĐND tỉnh, đến nay toàn tỉnh chỉ có 3/30 điểm du lịch cộng đồng mà người dân ở khu vực đó thực sự “sống được” với du lịch; còn lại nông dân ở các điểm đến khác chỉ xem du lịch là nghề thời vụ, được chăng hay chớ chứ không thể toàn tâm gắn bó lâu dài.
Thực tế dễ thấy nhất là việc ào ạt mở homestay, vườn du lịch sinh thái mà không có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, trong khi sản phẩm dịch vụ đều na ná nhau khiến nhiều điểm đến chật vật trong việc thu hút khách. Điều này càng làm quá trình bão hòa sản phẩm diễn ra nhanh chóng, kéo theo tác động xấu đến cả ngành du lịch chung của tỉnh.
Suy thoái điểm đến trong thời gian khá chóng vánh là một thực trạng đáng báo động khác cần phải sớm được điều chỉnh trong du lịch nông nghiệp - nông thôn. Làng Triêm Tây (Điện Bàn) và làng Tam Thanh (Tam Kỳ) là một trong những minh chứng cho điều này khi hai điểm đến trên từng thu hút khách rất nhiều trong giai đoạn 2016 - 2018, nhưng nhanh chóng rơi vào trầm lắng do chất lượng sản phẩm không có sự cải tiến, sáng tạo, thậm chí là bị suy giảm.
Lý giải về vấn đề vừa nêu, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Phần lớn người dân làm du lịch tại các điểm đến này hoàn toàn thụ động bởi họ được cầm tay chỉ việc khi các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đồng hành hỗ trợ nhưng một khi rút đi thì việc vận hành lập tức gặp trục trặc”.
Tại những nơi đang “chớm” xúc tiến quy hoạch đầu tư phát triển du lịch cộng đồng – sinh thái, rất cần sự định hướng, tư vấn bài bản từ phía các cơ quan chức năng cũng như đơn vị độc lập ngay lúc ban đầu để dễ quản lý, tránh nở rộ tràn lan các loại hình dịch vụ không hiệu quả, làm chệch hướng, không như kỳ vọng ban đầu. Bởi, phần lớn người dân ở khu vực nông thôn có rất ít kinh nghiệm trong việc tiếp cận du lịch. Một lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, cuối năm 2019 tại làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) có cá nhân bỏ ra số tiền lớn để xây dựng dịch vụ lưu trú nhưng đã “bê tông hóa” thay vì chọn các vật liệu thân thiện đậm tính đặc trưng làng quê địa phương.
Để gia tăng giá trị từ du lịch cộng đồng
Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện Văn phòng FIDR tại Việt Nam: Các điểm đến nên đón một lượng khách vừa phải
Các điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhất là ở miền núi chỉ nên đón một lượng khách vừa phải (khoảng 10 nghìn lượt khách/năm) nhưng có chi tiêu cao để du lịch không mang lại hệ lụy xấu với cảnh quan sinh thái và tập quán văn hóa đặc sắc vốn rất dễ tổn thương của cư dân địa phương...
Ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương: Tạo sản phẩm hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú
Có thể nói, những địa phương làm tốt công tác xây dựng NTM thường có lợi thế hơn để phát triển du lịch bởi một phần do nhận thức của chính quyền cũng như người dân đã thoát khỏi tư duy thuần canh tác nông nghiệp và hướng tới các loại hình dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mặt khác, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm hấp dẫn thu hút khách và kéo dài thời gian lưu trú.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Cần chú trọng giá trị tinh thần của sản phẩm du lịch
Hiện nay giá trị tinh thần trong sản phẩm du lịch được đề cao. Du khách sẽ rất thích thú khi được cùng ở, trao đổi với chủ nhà là giáo viên, là nghệ nhân… Ở một khía cạnh khác, khi nào một quần thể cư dân trong cộng đồng cùng chung tay làm du lịch, mỗi người góp một ý tưởng, mỗi người tạo ra một sản phẩm riêng biệt thì lúc ấy giá trị tăng thêm sẽ rất lớn bởi du khách không chỉ hưởng thụ dịch vụ mà còn hưởng thụ nét đẹp văn hóa của điểm đến đó.
Ông Nguyễn Phi Hồng – cán bộ chuyên trách chương trình OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam: Xây dựng các mô hình điểm về du lịch cộng đồng
Thực hiện Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP (ngày 28.10.2019) của Bộ NN&PTNT, thời gian qua các đơn vị liên quan của tỉnh đã tập trung hướng dẫn 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Đông Giang xây dựng đề án triển khai thực hiện mô hình điểm của chương trình OCOP. Theo đó, Nam Trà My và Bắc Trà My xây dựng mô hình chế biến sản phẩm từ nguyên liệu quế Trà My; Tiên Phước với mô hình làng du lịch cộng đồng Lộc Yên; Đông Giang với mô hình làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn). Nếu các đề án trên được Bộ NN&PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thông qua và bố trí nguồn vốn, trong năm 2021 các ngành, địa phương sẽ phối hợp tổ chức thực hiện mô hình thí điểm làng du lịch cộng đồng Lộc Yên và Bhờ Hôồng. Nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là một mô hình hay bởi một số địa phương ở phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... đã làm từ năm 2012, dù mỗi năm đón khách không quá nhiều nhưng bền vững và cải thiện sinh kế đáng kể cho đồng bào.