Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hiện nay trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã có tổng cộng 5.465ha đất lúa và 4.500ha đất màu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông phát triển sản xuất, thời gian qua chính quyền thị xã huy động nhiều nguồn lực tài chính đầu tư cho khâu thủy lợi. Thực hiện Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐND của HĐND thị xã, giai đoạn 2014 – 2020 ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tiếp tục kiên cố hóa thêm 435 tuyến kênh mương loại 3 (tổng chiều dài hơn 170km) với số tiền đầu tư khoảng 132 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong 7 năm qua, thị xã còn tiến hành thi công hơn 47km đường dây điện hạ thế và trung thế phục vụ thủy lợi hóa đất màu với tổng kinh phí 26 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay, Điện Bàn đã chi khoảng 48 – 50 tỷ đồng xây dựng hơn 82km đường điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu.
“Nhờ ưu tiên đầu tư khâu này, đến nay ít nhất 80% diện tích đất màu của Điện Bàn đã đảm bảo chủ động nguồn nước tưới trong các vụ sản xuất. Từ đó, giúp nông dân xây dựng những vùng chuyên canh - xen canh – gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức hàng hóa tập trung. Thực tế cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất màu canh tác theo hướng này đạt giá trị khoảng 160 – 300 triệu đồng, tùy theo việc bố trí sản xuất” – ông Chơi chia sẻ.
Không riêng Điện Bàn, những năm qua nhiều địa phương khác của tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các xã tham gia thực hiện mô hình nông thôn mới.
Ông Đỗ Vạn Lộc – Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho hay, chỉ tính riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn của chương trình nông thôn mới kết hợp lồng ghép các kênh vốn khác và vận động nhân dân đóng góp, toàn tỉnh đã đầu tư thêm khoảng 440 tỷ đồng cho khâu thủy lợi. Từ số tiền trên, chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng 150 công trình thủy lợi nhỏ với kinh phí gần 91,5 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng nước tưới cho hơn 1.735ha; thi công 25 công trình thủy lợi hóa đất màu với kinh phí 47,2 tỷ đồng, phục vụ tưới cho 712ha; kiên cố hóa và tu sửa gần 500km kênh mương loại 3 với kinh phí hơn 300 tỷ đồng, phục vụ tưới ổn định cho hơn 4.500ha.
“Sau khi xã Hương An của huyện Quế Sơn trở thành thị trấn và một số xã khác trên địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 200 xã thực hiện mô hình nông thôn mới. Thời gian qua, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng nên đến nay toàn tỉnh đã có 171 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi, chiếm tỷ lệ 85,5%” – ông Lộc nói.