Xoay xở nhờ “thu nhập kép”
Tảng sáng, trên từng thửa đồng rau sạch Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) người dân bận rộn thu hoạch rau cho kịp tỏa đi nhiều nơi. Dịch bệnh khiến các hoạt động tham quan du lịch tại đây bị tạm dừng từ cuối tháng 7, thậm chí trong suốt cả năm nay tình hình cũng khá ảm đạm nhưng nông dân ở đây vẫn “sống được” nhờ vào các sản phẩm rau sạch đã định hình được thương hiệu từ lâu.
Theo ông Nguyễn Hoang - Phó ban Nông nghiệp xã Cẩm Hà, do nguồn khách chủ yếu lâu nay của làng rau Trà Quế là khách quốc tế nên hoạt động du lịch của người dân trong năm nay rất chật vật. Dù vậy, nhờ vào việc giữ được nguồn cung ổn định, khoảng 2 tấn rau mỗi ngày đến các chợ, siêu thị nên người dân địa phương vẫn có được nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
“Từ khi diễn ra giãn cách xã hội đến nay, các siêu thị lớn ở Đà Nẵng thường xuyên liên hệ đề nghị chúng tôi cung ứng đảm bảo sản lượng rau Trà Quế như thời điểm trước dịch để họ phục vụ khách hàng. Do đó, hàng ngày gần 200 hộ dân trong làng luôn cố gắng cung ứng khoảng 1,2 tấn rau ra Đà Nẵng” - ông Hoang nói.
Tại tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cũng như một số nông trại khác trên địa bàn TP.Hội An, thị xã Điện Bàn như “An Farm”, “An Nhiên Farm”, “Heal Organic Farm”… dù phải tạm “gác lại” các chương trình đón khách tham quan nhưng cũng đang hối hả cho việc thu hoạch nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm của cộng đồng trong thời điểm cách ly xã hội.
Ông Lê Nhương - thành viên tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông chia sẻ, do quy mô sản xuất không lớn nên nếu chỉ tính thuần thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì mỗi hộ trong tổ kiếm được khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng nhưng mọi người đều rất tâm huyết gắn bó vì mang lại nguồn thu nhập bền vững ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Trên xứ đảo Cù Lao Chàm, khi không còn được đón hàng ngàn lượt khách ra đảo mỗi ngày, hầu hết ngư dân tại đây lại trở về gắn bó với tấm chài, con thúng để mưu sinh quen thuộc.
Lối đi bền vững
Tác động nặng nề của dịch bệnh đến ngành du lịch cho thấy việc phát triển các loại hình du lịch bền vững, ít tác động đến môi trường ngày càng trở thành xu thế tất yếu và cấp bách. Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: “Trong dịch bệnh tại Hội An, chính những người nông dân, ngư dân là những người ung dung, tự tại nhất dù thu nhập có giảm sút bởi họ vẫn còn giữ được nghề truyền thống từ bao đời. Đó là bài học cho việc làm du lịch nương tựa vào thiên nhiên, khi đó ngành du lịch sẽ tạo ra nguồn thu nhập có thể chậm hơn nhưng bền vững và cho nhiều đời sau”.
Trong bối cảnh ngành du lịch địa phương tăng trưởng vượt bậc về lượng khách trong vài năm qua, đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động lớn từ nông nghiệp sang du lịch - dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là xu thế tất yếu nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ về gánh nặng thất nghiệp một khi các rủi ro đặc biệt như dịch bệnh vừa qua hoành hành.
Ông Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, tại Cù Lao Chàm có một số gia đình dù khấm khá nhờ du lịch - dịch vụ và con cái đều có việc làm ổn định trong đất liền nhưng mỗi khi trở về quê nhà chúng đều phải cùng cha đi biển, đánh cá để giữ nghề truyền thống và lưu giữ được văn hóa của người xứ đảo.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, dịch bệnh lần này là thời khắc để những người làm du lịch địa phương nhìn nhận lại những gì đã làm được trong nhiều năm qua, từ đó thay đổi cách tiếp cận mới. Đó là xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng thiên nhiên và văn hóa bản địa để dung hòa các lợi ích, giúp cộng đồng gầy dựng và gìn giữ giá trị truyền thống nhằm hưởng lợi nhiều hơn.