Theo đó, huyện sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 730 LĐNT, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 460 lao động; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 270 lao động. Danh mục nghề đào tạo được huyện xác định với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, như: Trồng quế Trà My và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm; trồng cây dược liệu dưới tán rừng và kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm; kỹ thuật trồng lúa năng suất cao; kỹ thuật chăn nuôi, nhận biết và phòng bệnh đối với trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề phi nông nghiệp tập trung may công nghiệp, may dân dụng, may giày da; điện dân dụng, cơ điện và một số ngành nghề phụ trợ khách sạn...
Các học viên tham gia học nghề sẽ được hỗ trợ các chi phí gồm: học phí, tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại, tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; riêng lao động học nghề theo Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn được hỗ trợ tiền lưu trú cho lao động trong 24 tháng sau học nghề.
Để thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện sẽ đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền cho lực lượng lao động trong độ tuổi, nhất là lao động trẻ, lao động dưới 30 tuổi ở các thôn, làng về cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT. Tập trung triển khai chính sách, cơ chế đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Song song đó, nắm bắt kịp thời nhu cầu học nghề của người dân, định hướng việc học nghề tập trung vào những ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh...